Sea Group, công ty mẹ của Shopee, đã sa thải gần 7.000 nhân viên trong vòng 6 tháng qua. |
CNBC nhận định, nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á đã bắt đầu gia nhập làn sóng sa thải nhân sự trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều biến động, dẫn đến các nhà đầu tư mạo hiểm thận trọng hơn trong việc rót vốn đầu tư vào các startup.
Mới đây, nền tảng bán hàng trực tuyến Carousell, công ty mẹ của Chợ Tốt tại Việt Nam thông báo công ty sẽ sa thải khoảng 10% nhân viên, tương đương khoảng 110 vị trí. Kỳ lân công nghệ của Indonesia là GoTo, công ty mẹ của Gojek cũng cắt giảm 1.300 nhân sự vào tháng 11 vừa qua. Hai công ty này đã cùng với Sea Group và các công ty khác trong khu vực Đông Nam Á cắt giảm hàng nghìn nhân sự trong năm nay.
Những công ty trên đều đưa ra nguyên nhân dẫn đến việc sa thải hàng loạt như trên là do môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức ở thời điểm hiện tại.
Danh sách công ty công nghệ khu vực Đông Nam Á sa thải nhân viên. Ảnh: Theo CNBC. |
Trước bối cảnh đó, ông Jia Jih Chai, Giám đốc điều hành của công ty tổng hợp thương hiệu thương mại điện tử Rainforest cho rằng: "Những người sáng lập đang thận trọng hơn bằng cách quản lý chi phí trong môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn để đảm bảo có đủ nguồn lực cho đến cuối năm 2024. Nhiều khả năng, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ chững lại trong năm 2023, còn các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định".
Trong một ghi chú gửi cho nhân viên của Carousell, Giám đốc điều hành Quek Siu Rui thừa nhận, bản thân đã quá lạc về sự phục hồi của thị trường sau đại dịch Covid-19 và đánh giá thấp sự tác động của việc tuyển dụng nhân sự ồ ạt.
"Thực tế là chúng tôi đã tuyển dụng một cách ồ ạt, dẫn tới việc hao hụt đáng kể trong ngân sách công ty, trong khi việc hồi phục mất nhiều thời gian hơn dự kiến", lãnh đạo Caurosell chia sẻ. Ông cũng tiết lộ, công ty đã có các biện pháp cắt giảm chi phí, trong đó ban lãnh đạo của Carousell sẽ tự nguyện cắt giảm lương.
Giám đốc điều hành Quek Siu Rui cho biết, điều quan trọng hiện tại là công ty thu về được lợi nhuận càng sớm càng tốt, vì không rõ liệu điều kiện thị trường có được cải thiện trong năm tới hay không.
Tìm ra một hướng đi dài hạn
Trước đây, các công ty công nghệ có xu hướng chạy theo những chiến lược để tăng trưởng nhanh. Vì vậy, cần có những thay đổi để khi doanh nghiệp chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững. Chẳng hạn như, công ty có thể cắt giảm bớt khối lượng nhân viên tiếp thị nếu ngân sách cho việc quảng cáo bị cắt giảm.
Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á phần lớn vẫn chưa hồi về được lợi nhuận, với những cái tên như Sea Group và Grab đang thua lỗ hàng tỷ USD mỗi năm.
"Tôi lấy làm ngạc nhiên sau khi nghe các công ty dự đoán rằng những thay đổi trong hành vi và xu hướng của người dùng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát sẽ tồn tại mãi mãi. Rõ ràng, một khi bạn được phép đi ra ngoài ăn, đi chơi với bạn bè, điều này đồng nghĩa thời gian sử dụng các nền tảng như Netflix, Facebook, Shopify hay Amazon cũng sẽ giảm xuống. Vậy tại sao tất cả các công ty đều cho rằng những thói quen nhất thời đó sẽ tồn tại mãi mãi?", ông Alex Kantrowitz, một nhà phân tích tại Big Technology trả lời với CNBC.
Về phía các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đang tích cực tư vấn, thúc đẩy các nhà sáng lập chuẩn bị cho "mùa đông công nghệ" trước mắt và tìm ra con đường phát triển dài hạn bằng cách tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi phí.