Làng lụa Vạn Phúc: Từ cửa hiệu truyền thống đến bán hàng livestream

Vạn Phúc Làng nghề
14:27 - 16/09/2022
Làng lụa Vạn Phúc: Từ cửa hiệu truyền thống đến bán hàng livestream
0:00 / 0:00
0:00
Do hai năm Covid-19, việc kinh doanh của làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) gặp nhiều khó khăn vì hầu hết việc mua bán phụ thuộc vào các cửa hiệu bán trực tiếp. Tình hình đang dần đổi thay khi các sản phẩm lụa của làng tìm được hướng đi mới qua thương mại điện tử.

Những thăng trầm của làng nghề thời chưa có Internet

Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc chia sẻ với Mekong ASEAN về các giai đoạn phát triển của làng lụa Vạn Phúc hay còn được gọi là làng lụa Hà Đông, vốn trải qua nhiều khó khăn để có được chỗ đứng trên thị trường như ngày hôm nay.

“Gia đình tôi nhiều đời dệt lụa. Từ ngày còn nhỏ, những đứa trẻ đã phải tập quen với các việc đơn giản rồi khó dần lên. Hơn 60 năm gắn bó với lụa, tôi đã chứng kiến bao thế hệ lớn lên trong làng và trưởng thành với nghề, chứng kiến tất cả những giai đoạn thăng trầm của làng mình”, ông Hà chia sẻ.

Từ khi xóa bỏ bao cấp, nền kinh tế thị trường xuất hiện, làng lụa Vạn Phúc đã chuyển mình đô thị hóa mạnh mẽ trở thành phố phường sầm uất. Giá trị đất của làng tăng nhanh cùng với cơ chế thị trường đã tạo ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho người làng, thay vì chỉ tập trung làm nghề lụa truyền thống như trước.

Những người cao tuổi trong làng Vạn Phúc vẫn đang cố gắng truyền lại các kỹ thuật của nghề lụa. Ảnh: Hội Nhiếp ảnh Hà Đông.

Những người cao tuổi trong làng Vạn Phúc vẫn đang cố gắng truyền lại các kỹ thuật của nghề lụa.

Ảnh: Hội Nhiếp ảnh Hà Đông.

Theo nghệ nhân Phạm Khắc Hà, bên cạnh đó, các sản phẩm làng nghề truyền thống như Vạn Phúc cũng luôn bị cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, khiến cho sản xuất truyền thống gặp khó khăn hoặc thất truyền. Việc sản xuất lụa tập trung của Vạn Phúc thời kỳ bao cấp chuyển đổi sang sản xuất theo hộ gia đình cũng tạo ra nhiều thách thức.

“Các hộ phải mất một thời gian để thích nghi, nhất là về vấn đề tài chính. Dệt lụa cần trải qua 7 khâu và mỗi khâu đều có hàng tồn, tài chính của các hộ sản xuất đọng lại ở đó. Do đó, trong thời kỳ đầu từ 1994 – 1996, sản xuất lụa ở Vạn Phúc gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hà nhớ lại.

Các gian hàng làng lụa Vạn Phúc ngày càng được đầu tư chăm chút. Ảnh: Quách Sơn/MKA.

Các gian hàng làng lụa Vạn Phúc ngày càng được đầu tư chăm chút. Ảnh: Quách Sơn/MKA.

Từ cửa hàng truyền thống tới những cuộc livestream bán hàng

Vượt qua những khó khăn trên, thương hiệu lụa Vạn Phúc ngày càng được biết đến khi du lịch phát triển. Các cửa hiệu mọc lên khắp làng biến Vạn Phúc trở thành như một phố lụa kinh doanh tấp nập, đặc biệt là giai đoạn trước khi Covid-19 xuất hiện.

Mô hình kinh doanh bằng cửa hàng duy trì trong nhiều năm, giúp làng lụa Vạn Phúc hình thành số lượng đông đảo khoảng 300 hộ dệt và kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Để phục vụ khách mua sắm, du lịch, các gian hàng trong làng được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Trong mô hình kinh doanh theo lối truyền thống này, cửa hàng mở ra ai đến mua thì mua và bán hàng theo kiểu bị động. Khách đến cửa hàng tham quan mua sắm cũng sẽ được nghe giới thiệu về quy trình sản xuất, nhằm tạo nên lòng tin với người mua. Nhưng đại dịch Covid-19 hoành hành khiến mọi hoạt động xã hội bị gián đoạn, kinh doanh bán hàng trực tiếp theo kiểu truyền thống của lụa Vạn Phúc cũng lao đao.

Tuy vậy, chính bối cảnh dịch bệnh giãn cách này tạo cơ hội cho lối kinh doanh bằng thương mại điện tử phát triển tại làng lụa Vạn Phúc. Nhờ công nghệ số, các hộ kinh doanh trong làng dù không mở cửa hàng thường xuyên như trước vẫn có thể giới thiệu tới khách hàng đầy đủ quy trình sản xuất bằng hình ảnh, clip, livestream bán hàng.

“Như vậy so với trước đây làng nghề chỉ kinh doanh truyền thống, thì hiện nay, kết hợp kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử đã mang lại sức sống mới với nhiều lợi nhuận cho người dân hơn, đồng thời cũng quảng bá được sản phẩm của làng nghề đến nhiều hơn các khách hàng trong nước và nước ngoài”, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc chia sẻ.

Phân tích rõ hơn về tình hình kinh doanh tại làng lụa Vạn Phúc, nghệ nhân Phạm Khắc Hà cho biết, kinh doanh online đang trở thành xu hướng chính lan tỏa trong làng nghề. Khách hàng hiện nay hầu hết đều dùng smartphone nên rất thuận lợi cho việc mua hàng, thanh toán. Đặc biệt, họ có thể quan sát các công đoạn sản xuất lụa được tái hiện đầy đủ qua hình thức trực tuyến.

Chính vì vậy, ngay sau khi áp dụng các phương thức giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất và trực tiếp kết nối bán hàng, kinh doanh bằng thương mại điện tử, khách hàng sẽ vừa có cơ hội trải nghiệm và có thông tin về lụa Vạn Phúc, mà vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí hơn là tới tham quan trực tiếp.

"Quan trọng nhất, là điều đó mang lại niềm vui và cảm xúc", ông Hà nói thêm về cách tiếp thị mới qua phương tiện điện tử của làng lụa Vạn Phúc. Hàng tuần, các cơ sở và doanh nghiệp trong làng thường tiến hành livestream bán hàng 1 đến 2 buổi, mang lại hiệu quả tích cực về doanh số. Bên cạnh đó, làng vẫn duy trì hình thức kinh doanh truyền thống, thu hút khách du lịch tới làng mua sắm trực tiếp và tham quan.

“Từ khi kết nối điện tử với người tiêu dùng trên mọi miền đất nước và cả những khách hàng ở nước ngoài, chúng tôi mới nhận thấy rất nhiều người quan tâm và có hứng thú với lụa Hà Đông. Khách hàng đến từ các tỉnh thành miền Nam, là Việt kiều nước ngoài từ Mỹ, Australia, Anh cũng rất nhiều”, ông Hà hào hứng kể.

Dẫn chứng về sự lan tỏa nhờ thương mại điện tử, ông Hà cho biết, hiện nay, các cơ sở Phúc Hưng Silk, Lụa Phúc Hưng, Phương Linh, Phong Thư, Thúy An đều đã xây dựng được sự chú ý của khách hàng nước ngoài thông qua phương thức này. Ông cho biết có nhiều khách hàng tìm về tận cơ sở làng lụa Vạn Phúc để thăm sau khi đã được tiếp cận các sản phẩm của làng qua Internet.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng mặt đối ngược của niềm vui và hiệu quả của kinh doanh online cũng đi kèm với nhiều nỗi lo. Theo đó, nhiều cơ sở làm nghề thủ công như làng lụa Vạn Phúc có tâm lý e dè, ngại bán hàng bằng hình thức online vì nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu mẫu mã sản phẩm.

Về mối lo ngại này trên thương mại điện tử, ông Hà cho rằng giải pháp là các cơ sở cần có chiến lược kinh doanh thích hợp, liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm. “Một mẫu sản phẩm nào đó dù được khách hàng yêu thích đến đâu, thì chỉ một thời gian là cần cải tiến mẫu mã để đảm bảo luôn tươi mới và không lo bị ‘ăn cắp’. Bởi cái cốt lõi nhất của sản phẩm nghề truyền thống là tính đặc trưng, độc đáo”, ông Hà phân tích thêm.

Làng nghề truyền thống nhưng khó duy trì "cha truyền con nối"

Tuy thương mại điện tử có tính lan tỏa lớn hỗ trợ quảng bá hình ảnh sản phẩm lụa Vạn Phúc hiệu quả, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc, hình thức này càng làm lộ rõ những khó khăn của làng nghề, đặc biệt là việc nguồn lao động địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Vẽ mẫu lụa lụa Vạn Phúc vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Đây là kỹ thuật vẽ khác xa với việc vẽ nghệ thuật bởi trong đó yêu cầu sự tính toán số học và hình học rất cao. Ảnh: Hội Nhiếp ảnh Hà Đông.

Vẽ mẫu lụa lụa Vạn Phúc vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Đây là kỹ thuật vẽ khác xa với việc vẽ nghệ thuật bởi trong đó yêu cầu sự tính toán số học và hình học rất cao.

Ảnh: Hội Nhiếp ảnh Hà Đông.

Làng lụa Vạn Phúc chủ yếu sản xuất theo mô hình hộ gia đình nên việc thiếu hụt lao động là yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất sản phẩm. “Đơn cử như chỉ một ngày có đám giỗ, đám cưới hay mất điện là hộ cũng có thể không duy trì được sản xuất đều đặn. Để đảm bảo sản lượng lớn, các hộ sẽ phải tính toán cẩn thận để không ảnh hưởng đến uy tín và đảm bảo tiến độ hợp đồng”, ông Hà cho biết.

Trước thực trạng đó, hiện nay làng lụa Vạn Phúc đang tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề cho thanh niên trong làng hoặc nơi khác có nhu cầu học nghề. Mỗi khóa đào tạo theo quy định không quá 35 người. Sau đào tạo, các học viên ở lại làm việc luôn cho các cơ sở kinh doanh trong làng, trở thành nguồn bổ sung lao động.

Theo Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc, đối với nghề thủ công, muốn lưu giữ được nghề đến các thế hệ sau thì điều khó nhất là câu chuyện truyền lửa. Để làm được điều này, theo ông các nhà trường tại địa phương có thể tổ chức các buổi ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan làng nghề để các cháu nhỏ có nhận thức dần từ bé, từ đó định hướng dần cho thế hệ sau có ý thức về nghề.

“Trong một khóa học chỉ cần có 2 cháu yêu nghề, năm nay 2 cháu, năm sau 2 cháu dần dần sẽ tạo ra những tầng lớp yêu nghề và mong muốn giữ lửa nghề gia truyền”, nghệ nhân Phạm Khắc Hà nhấn mạnh.

ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU

Thông qua buổi phỏng vấn với Mekong ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc cũng kiến nghị TP Hà Nội nghiên cứu xây dựng vùng quy hoạch nguyên liệu để tạo dựng được sự ổn định trong sản xuất cho những người làm nghề truyền thống.

Theo đó, chỉ khi nào có nguồn nguyên liệu ổn định mới có thể đảm bảo được sản xuất số lượng lớn và giữ nguồn cung xuất khẩu hiệu quả.

Dẫn thông tin từ Hội thảo về tơ tằm Việt Nam năm 2019 (tại Bảo Lộc, Lâm Đồng), ông Hà cho biết, sản phẩm lụa Việt Nam đang được xuất khẩu với giá và sản lượng cao hơn cả Trung Quốc nhưng lại chưa có vùng nguyên liệu để tập trung sản xuất là điều đáng tiếc.

Tin liên quan

Đọc tiếp