Vinamilk hưởng lợi khi tiêu dùng phục hồi. Ảnh: Vinamilk |
Chia sẻ tại hội thảo kết nối nhà đầu tư tháng 8/2024 do Chứng khoán TP HCM (HSC) tổ chức chiều 27/8, bà Trần Hương Mỹ - Giám đốc nghiên cứu ngành hàng tiêu dùng của HSC cho biết, tình hình kinh tế vĩ thời gian qua đã có dấu hiệu cải thiện.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 227 tỷ USD, vượt dự báo của HSC. Các chỉ số sản xuất công nghiệp, FDI giải ngân đều tăng tốt. Đầu tư công khiêm tốn hơn nhưng sẽ là động lực để thúc đẩy mạnh vào cuối năm. “Cùng với đó, tỷ giá đã hạ nhiệt, GDP quý 3 nhiều khả năng vượt dự báo 5,8% của chúng tôi,” bà Mỹ nói.
Theo chuyên gia HSC, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023 và sẽ phục hồi tốt hơn trong những tháng còn lại của năm 2024. “Mức tăng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm cao nhất từ sản phẩm công nghệ nhưng lĩnh vực này chỉ chiếm 8% lao động, trong khi những ngành dệt may, da giày đang sử dụng khoảng 21% lao động chỉ tăng trưởng khiêm tốn. Vì vậy chúng tôi kỳ vọng những tháng cuối năm, xuất khẩu tăng ở khu vực dệt may, da giày sẽ giúp tăng thu nhập cho người lao động và thúc đẩy tiêu dùng hơn nữa,” bà Mỹ phân tích.
Ngoài ra, theo chuyên gia HSC, động lực tăng trưởng cho ngành tiêu dùng còn đến từ sự cải thiện lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức trước dịch Covid-19. HSC dự báo năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt 17,5 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023. “Từ tháng 7/2024, mức lương cơ sở tăng cũng tác động đến 2 triệu người trong khu vực hành chính công. Điều này cũng kỳ vọng tác động tích cực đến tiêu dùng,” bà Mỹ nói thêm.
Tiêu dùng phục hồi còn thể hiện ở sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành. Theo thống kê của HSC trên 10 công ty niêm yết trong ngành hàng tiêu dùng lớn như Vinamilk, Masan, Thế giới Di động, Sabeco... tổng doanh thu tăng 13%, lợi nhuận tăng 55%, cao hơn 7% so với dự báo. Trong đó, 9/10 công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận.
Theo bà Trần Hương Mỹ, các doanh nghiệp trong ngành bắt đầu hồi phục từ quý 1/2024. Doanh thu tăng, biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện do giá nguyên vật liệu giảm, quản lý chi phí hiệu quả... Chuyên gia HSC dự báo, đà tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì trong quý 3/2024, với dự báo tổng doanh thu tăng 12% và lợi nhuận tăng 53%; giảm nhẹ so với quý 2 do yếu tố thời vụ ở một số doanh nghiệp.
Sự phục hồi về doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng. |
Những tín hiệu tích cực của Vinamilk sau chiến lược tái định vị
Tham gia hội thảo, ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc điều hành Marketing của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng chia sẻ triển vọng lạc quan của ngành hàng tiêu dùng nhanh. Theo ông Trí, 6 tháng đầu năm 2024, ngành hàng này tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái; so với thời gian trước tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng.
Trong ngành sữa, ông Trí cho biết các mặt hàng tăng trưởng tốt là sữa đặc có đường, sữa chua ăn, sữa chua uống. “Sữa bột trẻ em và sữa nước cũng phục hồi thời gian tới thì ngành sữa sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng,” ông Trí nói.
Theo ông Nguyễn Quang Trí, cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng, Vinamilk đã đạt được những tín hiệu tích cực sau chiến lược tái định vị. Theo kết quả đo lường sức khoẻ thương hiệu của đơn vị độc lập IPSOS (đơn vị nghiên cứu độc lập), chỉ số đổi mới sáng tạo của thương hiệu Vinamilk cải thiện từ 69% năm 2022 lên 76% năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 lên 82%. Giá trị thương hiệu của Vinamilk năm 2022 là 2,8 tỷ USD thì năm 2023 đã tăng lên 3,3 tỷ USD. Thị phần nội địa trong ngành sữa 4 tháng qua (từ tháng 3 đến tháng 7/2024) tăng 1,4 điểm %.
Ông Trí cho biết, thời gian tới Vinamilk sẽ tiếp tục triển khai tái định vị các ngành hàng còn lại. “Đây không chỉ đơn giản là quảng cáo, thay đổi bao bì mà thực chất là sự thay đổi toàn diện từ chất lượng sản phẩm, tính năng, lợi ích cho người tiêu dùng,” ông Trí nói.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh phục hồi trong quý 2/2024 nhưng ngành sữa vẫn tăng trưởng âm. |
Sắp tới, Vinamilk sẽ tập trung tái định vị sản phẩm sữa bột trẻ em. Doanh nghiệp đánh giá đây là ngành hàng rất quan trọng. Theo ông Trí, những năm qua mặt hàng này không tăng trưởng nhiều do tỷ lệ sinh giảm và ý thức của người mẹ cao hơn trong việc cho con bú. Tuy nhiên hàng năm vẫn có trung bình 1,5 triệu trẻ em ra đời. Quan trọng hơn, sản phẩm sữa bột là nền tảng để người tiêu dùng tiếp cận ban đầu, sau đó sẽ gắn kết hơn với thương hiệu Vinamilk.
Cũng tham gia chia sẻ tại hội thảo, ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ nhà đầu tư của Vinamilk cho biết, sau khi tái định vị ngành hàng sữa bột, công ty sẽ sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
“Ngoài việc tái định vị các sản phẩm, chúng tôi còn xây dựng đội ngũ, tuyển dụng nhiều tài năng trẻ trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến công nghệ. Việc Vinamilk có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong thời gian tới hay không còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo kế hoạch kinh doanh như ĐHĐCĐ năm 2024 đã giao,” ông Trung thông tin.