Liên Hợp Quốc sẽ giúp Mỹ vận chuyển viện trợ vào Gaza

Viện trợ Gaza
11:09 - 20/04/2024
Quân đội Israel tấn công khu phố Al-Daraj ở thành phố Gaza ngày 16/4/20224. Ảnh: The Times of Israel
Quân đội Israel tấn công khu phố Al-Daraj ở thành phố Gaza ngày 16/4/20224. Ảnh: The Times of Israel
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 19/4, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) đã đồng ý hợp tác cung cấp viện trợ nhân đạo bằng đường biển cho người dân thường tại Gaza.

Trong một tuyên bố ngày 19/4 với hãng tin AP, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ xác nhận sẽ hợp tác với WFP để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Gaza thông qua một hành lang hàng hải được chính phủ Mỹ đề xuất.

Thông báo của USAID nhận định: “Đây là một hoạt động phức tạp đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều đối tác và các cuộc đối thoại của chúng tôi đang diễn ra. Trên khắp Gaza, sự an toàn và an ninh của các tổ chức nhân đạo là rất quan trọng đối với việc cung cấp viện trợ và chúng tôi tiếp tục ủng hộ các biện pháp mang lại sự đảm bảo tốt hơn cho các tổ chức nhân đạo”.

Ngoài ra, USAID cho biết các quan chức Mỹ cùng WFP cũng đang nghiên cứu phương thức cung cấp viện trợ cho dân thường tại Palestine “một cách độc lập, trung lập và minh bạch”. Khi được AP liên hệ, tổ chức này cũng như người phát ngôn không đưa ra phản hồi.

Sự tham gia của WFP vào hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo qua đường hàng hải cho người dân thường tại Dải Gaza có thể giúp giải quyết một trong những trở ngại lớn nhất mà chính phủ Mỹ đang gặp phải chính là sự miễn cưỡng của các nhóm viện trợ. Các nhóm này chần chừ trong việc tiếp nhận công tác phân phối thực phẩm và các hàng hóa cần thiết yếu khác tại Gaza trong bối cảnh không có những thay đổi đáng kể từ phía Israel.

Cuộc tấn công của Israel hồi đầu tháng 4 khiến 7 nhân viên cứu trợ của World Central Kitchen thiệt mạng càng làm gia tăng sự e ngại của các nhóm viện trợ cũng như sự chỉ trích quốc tế đối với Israel vì đã không cung cấp an ninh cho các nhân viên nhân đạo hoặc cho phép đủ số hàng viện trợ đủ lượng qua biên giới đất liền.

Tính tới hiện tại, hành lang hàng hải đang trong quá trình thiết lập sau thông báo ngày 8/3 trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc chính phủ nước này sẽ tiến hành xây dựng bến tàu tạm thời như một giải pháp thay thế cho các tuyến đường bộ. Một số tàu Lục quân và tàu Chỉ huy Hải vận Quân sự đã có mặt ở Biển Địa Trung Hải và đang nỗ lực chuẩn bị, xây dựng nền tảng và bến tàu.

Thiếu tướng Không quân Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ dự kiến sẽ hoàn thành hệ thống này vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Việc xây dựng bến tàu đã bị trì hoãn do các quan chức Mỹ và quốc tế cần đạt được các thỏa thuận về việc thu thập và phân phối viện trợ. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã tuyên bố rõ ràng quân đội Mỹ sẽ không xuất hiện trên mặt đất ở Gaza và do đó cũng sẽ không tham gia vào việc vận chuyển viện trợ vào bờ.

Bến tàu dự kiến dài tới 550 mét, với 2 làn xe và Lầu Năm Góc cho biết nó có thể đáp ứng việc giao hơn 2 triệu bữa ăn mỗi ngày cho người dân Gaza. AP dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ sẽ tham gia vào dự án này trong khi các tàu Hải quân Mỹ và các tàu của Quân đội Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho các lực lượng của nước này trong quá trình xây dựng bến tàu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.