Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế phát huy thế mạnh địa phương, ngày 3/8. Ảnh: Phương Thảo. |
Tại Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế phát huy thế mạnh địa phương ngày 3/8, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đối với thúc đẩy liên kết vùng.
Phân tích tình hình, bà Minh cho biết, việc Việt Nam tham gia tích cực vào liên kết khu vực và quốc tế sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài. Qua đó, các địa phương, doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong vùng.
"Với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế”.
Tại sự kiện do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức, Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang thay đổi tư duy mạnh mẽ hơn theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng. Đây là cơ hội cho các địa phương tiến hành liên kết vùng.
Tuy nhiên, việc hội nhập từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng.
Nhóm cơ hội và thách thức thứ 2 được TS. Trần Thị Hồng Minh nêu ra là thể chế thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đã có nhưng còn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc thiếu các thể chế đủ mạnh cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng.
Thêm vào đó, bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng trong huy động nguồn lực và ngân sách.
Thách thức trong biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ở mỗi vùng là khác nhau. “Bối cảnh đó đã đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức và đây là vấn đề lớn, đa ngành nên đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, cách thức quản trị vùng một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng”, bà Minh khuyến nghị.
Trước những cơ hội và thách thức đó, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, nội dung quan trọng cần làm là tạo cơ chế và động lực cho các chính quyền địa phương trong vùng liên kết với nhau cùng thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở cấp vùng.
“Việc thành lập Hội đồng điều phối cho từng vùng kinh tế - xã hội là một bước đi cần thiết, song chưa đủ. Các địa phương trong vùng cần có động lực để cùng hợp tác, cùng hành động hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở cấp độ vùng, chứ không chỉ là phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn của mình”, bà Minh nhấn mạnh.
Viện trưởng CIEM cho biết, khi tham mưu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM cũng nhấn mạnh tư duy lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng.
Trước gợi mở thành lập thể chế điều phối vùng và tạo động lực cho các địa phương do Viện trưởng CIEM nêu ra, đóng góp ý kiến từ nhu cầu địa phương, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình hưởng ứng và cho rằng đây là việc thiết thực cần làm ngay.
Phân tích tình hình địa phương, bà Tâm cho biết, Ninh Bình có nhiều sản phẩm, nông sản đặc sản muốn phát triển, gia tăng chuỗi giá trị thông qua phương thức liên kết với các vùng miền, địa phương trên cả nước.
"Trong đó, sẽ có các phân khúc liên kết, một hợp tác xã mạnh liên kết với một hợp tác xã mạnh để cùng tạo ra những giá trị lớn hơn hay một hợp tác xã mạnh liên kết với một hợp tác xã yếu để tạo sự bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau. Như vậy theo tôi thấy rất cần có sự ra đời của cơ chế liên kết các địa phương, sự vào cuộc của của Sở NN&PTNT, Sở Công Thương để liên kết vùng cất cánh”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình nhìn nhận, hiện mô hình liên kết vùng theo các chuỗi giá trị hiện đại giữa các hợp tác với nhau, hợp tác xã với doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân tạo ra liên kết lỏng lẻo chính là vấn đề đầu ra của người dân, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng cung - cầu chưa gặp nhau vẫn xảy ra, các địa phương còn thiếu động lực liên kết.
Để khắc phục những hạn chế về liên kết vùng tạo đà cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, bà Tâm nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý Nhà nước về phát triển vùng.
Đồng thời, bà Lê Thị Tâm cũng đề xuất các chính sách đẩy mạnh liên kết phát triển vùng, phát huy vị trí địa lý, tiềm năng, chủ động hội nhập, tạo động lực giao lưu kinh tế vùng, nhất là với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 hợp tác xã, 133 Liên hiệp hợp tác xã, và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 tổ hợp tác nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.
"Tuy nhiên, liên kết vùng dù là vấn đề đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương", ông Thịnh nhận định.