Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 ghi nhận thu nhập lãi thuần quý cuối năm đạt 9.164 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 19% lên 1.456 tỷ đồng. Lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác tăng 69% lên 761 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý 4, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng gấp 32 lần từ 6 tỷ đồng quý 4/2022 lên 196 tỷ đồng.
Ngược lại, chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 124 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 72 tỷ đồng.
Quý 4/2023, ngân hàng này báo lãi trước thuế quý 4/2023 đạt 6.287 tỷ đồng, tăng 39% so với quý 4/2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.986 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, thu lãi thuần của MB ghi nhận đạt 38.684 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 3,8 lần so với năm 2022, đạt 542 tỷ đồng.
Ngược lại, mảng kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và góp vốn, mua cổ phần đều ghi nhận doanh thu đi lùi so với năm trước, lần lượt đạt 1.210 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và 57 tỷ đồng.
Năm 2023, chi phí hoạt động của MB không biến động nhiều. Cùng với đó, ngân hàng cắt giảm gần 2.000 tỷ chi phí dự phòng, tương ứng giảm gần 25% so với năm trước.
Kết quả, MB báo lãi trước thuế 26.306 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 20.677 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Khả năng sinh lời của ngân hàng cũng ở mức cao, tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) khoảng 2,5% và lợi nhuận trên vốn (ROE) khoảng 25%.
Về chất lượng tài sản, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của MB đã tăng gần 30% đạt 944.954 tỷ đồng, vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Cho vay khách hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao 32,7% so với cuối năm trước đạt hơn 611.000 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi của khách hàng đạt 569.640 tỷ đồng, tăng 27,9% so với đầu năm. Trong năm, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) năm 2023 cũng tăng trưởng gần 27% so với năm 2022. Tỷ lệ CASA đạt khoảng 40,1%, giữ vững ngôi vương toàn ngành 2 năm liên tiếp.
Năm 2023, số dư nợ xấu của MB tăng 95% từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 9.800 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu nhích tăng lên 1,6%.
Tuy vậy, ngân hàng cũng có biện pháp dự phòng rủi ro. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu năm 2023 đạt xấp xỉ 116%. Trong năm 2023, MB cho biết đã hoàn nhập dự phòng hơn 4.800 tỷ đồng, gấp đôi năm 2022 từ danh mục cơ cấu nợ thành công cho các nhóm khách hàng Covid từ 2020, 2021 và đến nay cơ bản các khách hàng cơ cấu đã phục hồi hoạt động kinh doanh.
Trong một diễn biến gần đây, MB cho biết sẽ chào bán riêng lẻ 43 triệu cổ phiếu cho Viettel và 30 triệu cổ phiếu cho SCIC, nâng vốn điều lệ lên 52.871 tỷ đồng. Phương án này được đưa ra dựa trên chủ trương tăng vốn giai đoạn 2021 – 2023 được Đại hội đồng cổ đông MB phê duyệt.
Ngân hàng này cũng vừa thông báo lịch họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Theo đó, MB dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, số 57 Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cuộc họp dự kiến diễn ra vào lúc 7h30, ngày 19/04/2024.