Theo Quyết định số 7823/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số doanh nghiệp sẽ được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023. Đó là các doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1/1/2023 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) do bị cắt giảm đơn hàng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.
Các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện quyết định lùi đóng kinh phí công đoàn về Tổng Liên đoàn trước ngày 31/1/2024.
Trước đó, hồi giữa tháng 8, nhằm chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức công đoàn cũng hỗ trợ tiền mặt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng cho đoàn viên công đoàn bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/4/2023 đến 31/12/2023.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2023 đã có 509.903 người lao động mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc chiếm hơn 54,79% số lao động bị ảnh hưởng, số lao động giảm giờ làm chiếm 38,25%, số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương chiếm 3,33%, số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 1,64%.
Số lao động mất việc làm tập trung tại các doanh nghiệp như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ. Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tập trung tại một số tỉnh/thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội.