Hấp thụ vi nhựa có thể gây ra nhiều tác động tiềm ẩn tới sức khỏe. Ảnh: Getty Images |
Theo hãng tin The Star trích dẫn nghiên cứu, người dân Malaysia hấp thụ trung bình 502,3mg hạt vi nhựa mỗi ngày trên đầu người, với 50% lượng tiêu thụ vi nhựa tới từ việc tiêu thụ cá. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Malaysia còn nằm trong top 10 quốc gia hít phải nhiều hạt vi nhựa nhất trong không khí, ước tính rơi vào khoảng 494.000 hạt vi nhựa mỗi ngày trên bình quân đầu người.
Báo cáo nhận định: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các quốc gia đang công nghiệp hóa nhanh chóng như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam dẫn đầu về mức độ hấp thụ vi nhựa trên toàn cầu, bắt nguồn từ mức tiêu thụ hải sản cao”.
Tác giả của nghiên cứu Xiang Zhao, giáo sư tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia, Trung Quốc và đồng tác giả Fengqi You, Giáo sư Kỹ thuật Hệ thống Năng lượng tại Đại học Cornell, cho biết chính sự phát triển công nghiệp đã gây ra mức độ ô nhiễm nhựa ngày càng tăng.
Các hạt vi nhựa trong chế độ ăn uống liên quan đến những chất tích tụ trong thực phẩm và sự thất thoát nguyên liệu do sử dụng nhựa trong sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm cuối cùng là thực phẩm và đồ uống. Vi hạt nhựa thường được tìm thấy trong môi trường nước ngọt và biển, sau đó được các sinh vật ăn vào và cuối cùng được con người tiêu thụ.
Trong khi đó, vi hạt nhựa trong không khí chủ yếu bắt nguồn từ sự mài mòn của vật liệu nhựa, chẳng hạn như vật liệu trong lốp xe và nhựa thủy sinh. Các tác giả cho biết một nguồn chính của vi nhựa thủy sinh là chất thải nhựa chảy ra từ các bãi chôn lấp hoặc bãi thải lộ thiên không được quản lý tốt. Nguồn ô nhiễm này xâm nhập vào nước bề mặt và tạo ra vi nhựa thông qua quá trình phân hủy tự nhiên.
Những hạt nhựa này có thể làm ô nhiễm hệ thống nước trong khi các hạt vi nhựa làm ô nhiễm môi trường nước ngọt và nước mặn. Chúng sau đó được phân tán qua dòng nước hoặc truyền qua không khí và xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Nghiên cứu cho biết tại các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ, “lượng vi nhựa hấp thụ trong không khí và chế độ ăn uống đã tăng hơn 6 lần từ năm 1990 đến năm 2018”.
Để có thể giảm thiểu sự hấp thụ vi nhựa cũng như các rủi ro đi kèm đối với sức khỏe cộng đồng, các nhà nghiên cứu đề xuất chính phủ ở các nước đang phát triển và công nghiệp hóa ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Bắc và Nam Mỹ loại bỏ các mảnh vụn nhựa tự do khỏi môi trường nước ngọt và nước mặn thông qua việc xử lý nước tiên tiến và xử chất thải rắn hiệu quả.
Nếu có thể loại bỏ 90% mảnh vụn nhựa dưới nước toàn cầu, sự hấp thụ vi nhựa có thể giảm hơn 48% ở các nước Đông Nam Á, nơi ghi nhận phần lớn sự hấp thụ vi nhựa.