Măng tre có triển vọng thành nguồn thực phẩm bền vững cho thế giới

THẾ GIỚI Thực phẩm
21:06 - 22/03/2024
Măng có tiềm năng trở thành nguồn thực phẩm cho dân số thế giới ngày càng gia tăng. Ảnh: Getty Images
Măng có tiềm năng trở thành nguồn thực phẩm cho dân số thế giới ngày càng gia tăng. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Theo nghiên cứu công bố gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc, măng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng và bền vững cho dân số toàn cầu ngày càng gia tăng.

Được đăng tải trên tạp chí Trends in Food Science & Technology, nghiên cứu của tác giả Wu Liangru - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tre Quốc gia Trung Quốc - cùng nhóm của mình tập trung vào măng như một “tài nguyên thiên nhiên bị đánh giá thấp” và một loại lương thực quan trọng của tương lai.

Hãng tin SCMP trích dẫn nghiên cứu cho biết măng sở hữu rất nhiều nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó bao gồm hàm lượng protein cao “tương tự như sữa bò” và cao hơn nhiều loại ngũ cốc khác cũng như là một nguồn cung cấp carbonhydrate, chất xơ và vitamin tuyệt vời.

Ngoài ra, măng còn cung cấp 7 trong số 9 loại acid amin thiết yếu mà con người cần. Trên thực tế, hàm lượng acid amin trong măng cao hơn các loại rau khác như cà rốt, cần tây, bắp cải, đồng thời măng cũng chứa nhiều sắt hơn các loại thực phẩm như rau bina và bí đỏ. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng măng còn có khả năng ngăn ngừa béo phì, tiểu đường và ung thư, đồng thời mang lại lợi ích chống oxy hóa và kháng khuẩn.

Nhóm nghiên cứu nhận định: “Măng có tiềm năng lớn để trở thành thực phẩm chủ đạo trên toàn thế giới và đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc”. Nếu sản lượng tre trên toàn cầu được tăng cường, thế giới có thể sản xuất tới 150 triệu tấn mỗi năm, từ đó giúp ích đáng kể trong việc cung cấp lương thực cho dân số toàn cầu đang ngày càng tăng.

Loại thực phẩm này còn “mang lại tiềm năng về nguồn lương thực bền vững và tạo cơ hội cho thương mại và xuất khẩu, có thể đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế địa phương”. Với giá trị thương mại tăng 40% từ năm 2007 đến năm 2018, đây là một ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng để mở rộng.

Tuy nhiên, nghiên cứu nhận định việc sản xuất và sử dụng măng trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay “vẫn gặp phải nhiều hạn chế”. Hiện Trung Quốc là nước sản xuất tre lớn nhất thế giới với khoảng 6,4 triệu ha rừng tre nhưng chỉ có chưa đến 6% trong số đó được dành cho sản xuất măng và khoảng 24% để sản xuất gỗ và măng kết hợp.

Nghiên cứu còn bổ sung rằng có khoảng 25 đến 35 triệu tấn măng được sản xuất ở Trung Quốc mỗi năm trong khu vực rừng này, nhưng chỉ hơn 30% được thu hoạch để tiêu thụ. Số măng còn lại “thối rữa trên núi” do tình trạng dư cung và giá thấp, khiến nông dân không có nhiều động lực để thu hoạch măng.

Đối với những khó khăn về mặt chế biến, trên toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 1.640 loài tre nhưng không phải loài nào cũng cung cấp măng ăn được. Trong số 800 loài được tìm thấy ở Trung Quốc, chỉ có 153 loài cung cấp măng có thể ăn được và 56 loài có “chất lượng cao”. Thêm vào đó, khoảng 70% măng là phần không ăn được.

Việc thu hoạch măng cũng là một việc không dễ dàng do thời gian cây tre ra chồi ngắn, gây ra nguy cơ măng trở thành gỗ sau khi thu hoạch. Việc xử lý măng nhằm gia tăng thời hạn sử dụng lại làm giảm giá trị dinh dưỡng.

Măng tươi cũng chứa độc tố. Tuy độc tố được giảm bớt qua quá trình chế biến, các nhà nghiên cứu cho biết việc thử nghiệm trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường và tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo an toàn là rất quan trọng. Đặc biệt, các nghiên cứu sâu hơn về tác động lâu dài của việc gia tăng lượng tiêu thụ măng lên cơ thể con người cũng là một lĩnh vực cần chú trọng.

Đọc tiếp