Tháng 6/2024 tiếp tục phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của thế giới. Ảnh: Sky News |
Theo hãng tin AFP trích dẫn tuyên bố của C3S, mỗi một tháng kể từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024 đều phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của tháng trước đó, đánh dấu chuỗi 13 tháng nắng nóng và nhiệt độ cao chưa từng có trên toàn cầu. Tổ chức này cũng cho biết nhiệt độ không khí toàn cầu trong 12 tháng tính đến tháng 6/2024 là cao nhất trong hồ sơ dữ liệu - trung bình cao hơn 1,64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Điều này không đồng nghĩa với giới hạn mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C được 196 quốc gia đồng ý ở Paris năm 2015 đã bị vi phạm do mục tiêu đó được tính bằng nhiều thập kỷ chứ không phải từng năm riêng lẻ. Tuy nhiên trong một tuyên bố vào tháng trước, tổ chức này đưa ra dự đoán có 80% khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm của Trái Đất ít nhất sẽ tạm thời vượt quá mốc 1,5 độ C trong 5 năm tới.
Ngoài nhiệt độ không khí gia tăng, nhiệt độ đại dương cũng đạt mức cao mới. Nhiệt độ bề mặt nước biển kỷ lục ở Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng góp phần làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Nhiệt độ bề mặt nước biển phá kỷ lục vào tháng 6/2024 – đánh dấu 15 tháng liên tiếp đạt mức cao mới, một sự kiện được nhà khoa học cấp cao tại C3S Julien Nicolas mô tả là "đáng chú ý".
Các đại dương bao phủ 70% bề mặt Trái đất và hấp thụ 90% lượng nhiệt gia tăng liên quan đến lượng khí thải làm khí hậu nóng lên. Ông Nicolas cho biết: “Những gì xảy ra với bề mặt đại dương có tác động quan trọng đến nhiệt độ không khí phía trên bề mặt cũng như nhiệt độ trung bình toàn cầu”.
Theo ông, chuỗi nhiệt độ cao kỷ lục trùng hợp với El Nino, một hiện tượng tự nhiên góp phần khiến thời tiết nóng hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên trả lời AFP, ông cho biết đây “không phải là yếu tố duy nhất”.
Trong khi đó khi nhận định về tình hình, Giám đốc C3S Carlo Buontempo cho biết: “Đây không chỉ là một sự kỳ lạ về mặt thống kê mà nó còn nêu bật một sự thay đổi lớn và đang diễn ra trong khí hậu của chúng ta”.
Ông nhận định: “Ngay cả khi chuỗi kỷ lục cực đoan cụ thể này kết thúc vào một lúc nào đó, chúng ta chắc chắn sẽ thấy những kỷ lục mới bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục ấm lên”. Điều này là “không thể tránh khỏi” chừng nào con người vẫn tiếp tục thải thêm các loại khí nhà kính vào khí quyển.
Tuyên bố của C3S được đưa ra trong bối cảnh nhiệt độ cao và thời tiết nắng nóng khắc nghiệt được ghi nhận tại nhiều châu lục. Nắng nóng thiêu đốt đã bao phủ nhiều vùng trên thế giới từ Ấn Độ đến Arab Saudi, Mỹ và Mexico trong nửa đầu năm nay.
Theo thống kê của chính phủ Arab Saudi ngày 23/6, ít nhất 1.300 người đã tử vong trong lễ hành hương Hajj năm nay. Nhiều trường hợp tử vong do sốc nhiệt trong nắng nóng trong bối cảnh Thánh địa Mecca – nơi tập trung của những người hành hương Hajj - chứng kiến nhiệt độ tăng vọt lên mức kỷ lục 51,6 độ C vào hôm 17/6.
Tại khu vực Địa Trung Hải, Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết các quốc gia tại đây sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một số ngày nhiệt độ cao nữa, làm trầm trọng thêm các đợt cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria.
Tuy nhiên, thế giới sắp chuyển sang giai đoạn La Nina có tác dụng hạ nhiệt. Ông Nicolas cho biết: “Chúng ta có thể dự đoán nhiệt độ không khí toàn cầu sẽ giảm dần trong vài tháng tới”. Tuy nhiên, “nếu nhiệt độ mặt nước biển kỷ lục này vẫn được duy trì, năm 2024 vẫn có khả năng ấm hơn năm 2023 kể cả khi La Nina xảy ra”.