Báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset ngày 6/11 về thị trường dệt may Việt Nam cho biết, trong tháng 10/2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may tại Việt Nam ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng năm 2022, mặt hàng này đạt giá trị xuất khẩu tăng 21,9% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 31,8 tỷ USD.
Mặc dù tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên, chuyên gia Mirae Asset nhận xét, giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 10 chỉ đi ngang so với tháng 9/2022 và tốc độ tăng trưởng giảm 24,1% so với tháng trước.
Mirae Asset cho rằng, việc sản xuất có dấu hiệu giảm tốc có thể do các đơn hàng bắt đầu đến chậm hơn trước lo ngại về một đợt suy thoái trong năm 2023, khiến cho các công ty trong ngành phải giảm hoạt động sản xuất.
Về mặt hàng sợi, giá trị xuất khẩu xơ sợi trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022 ước đạt lần lượt 309 triệu USD và 4,1 tỷ USD, tương ứng giảm 34,3% và 10,6% so với cùng kỳ.
Xét về lượng, báo cáo ước tính, xuất khẩu sợi trong tháng 10 ước đạt 115.000 tấn, giảm 22,5% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2022, mặt hàng xuất khẩu này đã giảm 18,1% so với cùng kỳ, đạt 1,32 triệu tấn.
Đối với sản xuất mảng dệt, trong 10 tháng này cũng ghi nhận dấu hiệu giảm tốc, cụ thể chỉ số IIP (sản xuất công nghiệp) mảng dệt chỉ tăng 3,7% trong tháng 10 (trong khi so với tháng 9 mức tăng này là 4%).
Đánh giá về nhu cầu cung ứng mặt hàng dệt may, Mirae Asset cho rằng, ngành hàng này đang bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế kém khả quan trước bối cảnh lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Cùng với đó, việc các Ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và giá khí đốt tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine khiến giá cotton cuối tháng 9 năm 2022 cũng giảm mạnh cho thấy tín hiệu về nhu cầu sụt giảm của chuỗi cung ứng ngành, chuyên gia Mirae Asset nhận định.
Không chỉ riêng Mirae Asset, trong báo cáo cập nhật về ngành dệt may tháng 10/20222, Chứng khoán SSI Research cũng đưa ra nhận định tương tự. SSI cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023 nhưng lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất xa so với công suất.
Nguyên nhân do doanh nghiệp ngành này vẫn đang đối mặt nguy cơ giảm đơn hàng do lạm phát ảnh hưởng sức mua của các thị trường Mỹ, EU. Cùng với đó, vòng quay hàng tồn kho chậm từ phía khách hàng khiến các doanh nghiệp dệt may Việt chịu áp lực về việc đàm phán lại giá và đơn hàng đã đặt trước.
Trước tình hình xuất khẩu giảm tốc, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết trong báo cáo "Linh hoạt gỡ khó, quyết tâm cán đích 2022" ngày 1/11, các doanh nghiệp dệt may cần phải biết nắm bắt, tận dụng tốt những cơ hội thị trường, nhưng đồng thời cũng phải biết dũng cảm chấp nhận những tình huống khó khăn, tiêu cực.
Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá, trong những thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay, cần bố trí sản xuất linh hoạt, tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.
Cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo dòng tiền, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sợi và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để có thể tổ chức sản xuất chủ động ngay khi thị trường có các tín hiệu khởi sắc.