Một năm làm ăn khấm khá của các doanh nghiệp dược phẩm

DHG dược phẩm
11:23 - 06/02/2023
Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao là một trong những nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp lý giải cho kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2022. Ảnh: Dược Hậu Giang
Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao là một trong những nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp lý giải cho kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2022. Ảnh: Dược Hậu Giang
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lao đao vì sức ép lãi suất cũng như khó khăn về vốn, các công ty dược phẩm lại báo lãi kỷ lục năm 2022 vừa qua nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn hậu dịch Covid-19.

CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4, ghi nhận tổng doanh thu 4.676 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 988,5 tỷ đồng trong năm 2022, tăng lần lượt 16,8% và 27,2% so với thực hiện 2021, tương ứng vượt 10,8% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của DHG kể từ khi niêm yết vào năm 2006.

Tương tự, CTCP Dược phẩm OPC (HoSE: OPC) và CTCP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) cũng thiết lập mức lãi kỷ lục trong năm 2022. Dược phẩm OPC có lợi nhuận sau thuế 142,5 tỷ đồng, trong khi Imexpharm báo lãi lãi 234 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,5% và 24% so với năm trước đó và đều vượt kế hoạch cả năm.

CTCP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco – UpCOM: PBC) cũng là một trong những doanh nghiệp báo lãi lớn trong năm qua khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 62 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ và vượt 15% kế hoạch đề ra.

Một số doanh nghiệp khác cũng có năm kinh doanh thuận lợi. CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (HoSE: DMC) báo lãi 200 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 trong khi CTCP SPM ghi nhận gần 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 24% và cũng là mức cao nhất từ năm 2015 tới nay.

Nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao là một trong những nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp lý giải cho kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2022.

Theo báo cáo mới nhất từ trung tâm nghiên cứu SSI Research, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Doanh thu ngành chăm sóc sức khỏe tăng 25% so với năm 2021, đạt 155 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD), cao hơn đáng kể so với mức trước khi xuất hiện Covid-19 (doanh thu năm 2019 đạt 4,7 tỷ USD).

2021 là mức nền thấp đối với các hoạt động tại bệnh viện và kênh bán thuốc tại bệnh viện do người dân hạn chế đi lại để tránh lây lan virus. Do đó, sự phục hồi mạnh của doanh thu các bệnh viện cũng như các công ty dược phẩm đối với kênh bệnh viện (điển hình như IMP) vào năm 2022 và mức tăng trưởng toàn ngành của phân khúc ETC là 29% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng doanh thu tại các chuỗi bán lẻ dược phẩm có xu hướng giảm tốc từ mức nền cao trong năm 2021 nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 trong năm 2021, các hiệu thuốc vẫn được phép mở cửa và người dân dự trữ rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng.

Tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế trong năm 2023

Theo SSI Resreach, tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế trong năm nay, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp trước khi khá dần lên. Tuy vậy, doanh thu ngành dược phẩm vẫn được kỳ vọng tăng 8% lên 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023.

Bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh, nhưng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe có thể sẽ chững lại trong năm nay.

Các chuyên gia từ SSI nhận định nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược, trong bối cảnh khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc – quốc gia đã mở cửa trở lại; nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra.

Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine khiến các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ Châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Chính vì vậy, các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn (điển hình là TRA).

Một trong những câu chuyện nổi bật của năm 2023 là cuộc chạy đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty như DHG, IMP, DBD, TRA và Dược Cửu Long (DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của mình.

Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công (nhóm 1). Các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này. Theo ước tính của SSI Research, chỉ có 6% thuốc trong nhóm 1 được sản xuất trong nước, phần còn lại chủ yếu là thuốc nhập khẩu.

Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo SSI Research, tính tới tháng 1/2023, chỉ có 8 công ty sở hữu dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP hoặc tương đương tại Việt Nam. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì cao, các yêu cầu khắt khe và thời gian phê duyệt kéo dài, các công ty sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi cuộc đua này hoặc đầu tư vào các mảng khác để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp

Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực thực phẩm thế giới tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, tháng thứ bảy liên tiếp duy trì xu thế đi xuống. Trong đó, tất cả các loại ngũ cốc thiết yếu đều giảm, bất chấp giá đường và thịt tăng.
Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 12.398 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 10% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) Việt Nam đã trải qua năm 2023 vô cùng khó khăn, được giới chuyên gia nhận định là “kỳ kiểm tra” tiếp theo sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối năm các tín hiệu tích cực đã xuất hiện báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ.