Ngân hàng ABBank vừa bất ngờ tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng với mức tăng 1,1%/năm lên 5,2%/năm. Đây là mức tăng lớn nhất chỉ trong một lần điều chỉnh lãi suất đối với các ngân hàng thương mại.
Ngoài kỳ hạn trên, lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại tại ABBank không thay đổi.
Lãi suất huy động trực tuyến đang được ABBank áp dụng như sau: Kỳ hạn 1-2 tháng 2,9%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng 3%/năm, kỳ hạn 6 tháng 4,7%/năm, kỳ hạn 7-11 tháng 4,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,2%/năm, và kỳ hạn 13-60 tháng 4,1%/năm.
Với việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng, ABBank trở thành nhà băng đầu tiên có 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, cả 3 lần trước đó ABBank chỉ tăng lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng.
Ngoài ABBank, loạt ngân hàng khác cũng có động thái điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng tăng ngay trong đầu tuần. Theo đó, ngân hàng Techcombank đã tăng thêm 0,2 điểm % lãi suất với kỳ hạn dưới 5 tháng và tăng 0,1 điểm % với kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở mới dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng tại ngân hàng này là 2,75%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng là 3,05%/năm, kỳ hạn 6 - 11 tháng là 3,95%/năm.
Techcombank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn 12 - 36 tháng ở mức 4,65%/năm.
Đối với khoản tiền gửi từ 1 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng, ngân hàng này cũng cộng thêm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 - 5 tháng và cộng thêm 0,05%/năm lãi suất kỳ hạn 6 - 36 tháng.
Đối với tài khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng, lãi suất Techcombank sẽ được cộng thêm 0,2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 - 5 tháng, và cộng thêm 0,1%/năm cho tiền gửi các kỳ hạn còn lại.
Với cách tính lãi suất luỹ tiến như trên, lãi suất huy động cao nhất tại Techcombank đang là 4,75%, áp dụng cho kỳ hạn 12 - 36 tháng, số tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên.
Đây là lần thứ hai trong tháng 5 Techcombank tăng lãi suất huy động. Trước đó, ngày 8/5 nhà băng này đã tăng 0,3%/năm lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng, tăng 0,4%/năm kỳ hạn 3 - 5 tháng, tăng 0,3%/năm kỳ hạn 6 - 11 tháng, và tăng 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 12 - 36 tháng.
Ngân hàng Bac A Bank cũng vừa điều chỉnh tăng 0,15%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 5 tháng, tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng, tăng 0,3%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 - 13 tháng và tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng.
Theo đó, biểu lãi suất huy động dành cho tài khoản tiền gửi dưới 1 tỷ tại Bac A Bank như sau: Kỳ hạn 1 - 3 tháng là 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,3%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 3,5%/năm, kỳ hạn 5 tháng là 3,7%/năm.
Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6 - 8 tháng tăng lên 4,6%/năm, kỳ hạn 9 - 11 tháng là 4,7%/năm, và kỳ hạn 12-15 tháng là 5,4%/năm.
Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn 18 - 36 tháng được Bac A Bank giữ nguyên ở mức 5,5%/năm.
Đối với tài khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng, Bac A Bank cộng thêm 0,2%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng.
Đây cũng là lần thứ 2 trong tháng 5 này, ngân hàng tăng lãi suất huy động sau lần điều chỉnh tăng hôm 7/5.
Cũng điều chỉnh lần 2 trong tháng, ngân hàng BVBank vừa điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng tăng 0,2% lên 3,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh 0,45%/năm lên 4,7%/năm, kỳ hạn 7 - 11 tháng tăng 0,05% lên 4,4 đến 4,8%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng mạnh 0,45%/năm lên 5,3%/năm, trong khi kỳ hạn 15 và 18 tháng tăng 0,25%/năm, lần lượt lên 5,3%/năm và 5,5%/năm.
Đối với kỳ hạn 4 - 5 tháng, BVBank giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 3,3 - 3,4%/năm và kỳ hạn 24 tháng ở mức 5,35%/năm.
Với diễn biến tăng lãi suất huy động gần đây, Chứng khoán VNDirect nhận định, mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và tăng ngược trở lại. Tuy nhiên chuyên gia VNDirect cũng cho rằng, mức tăng của lãi suất huy động vừa qua là không đáng kể, ít nhất là trong quý tới. Nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.
Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động toàn thị trường. Dòng tiền vẫn đang có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.