Một thế hệ doanh nhân sẵn sàng 'vượt sóng lớn'

Một thế hệ doanh nhân sẵn sàng 'vượt sóng lớn'

Doanh Nhân Việt nAM
06:13 - 13/10/2023
Trong bài phỏng vấn với Mekong ASEAN nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã gửi lời chúc mừng đến cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Bộ trưởng nhìn nhận, trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn có sự đóng góp quan trọng của giới doanh nhân.

Mekong ASEAN: Nhìn lại bức tranh kinh tế những tháng đầu năm, về tổng quan các mặt công tác như quản lý giá, quản lý nợ công, quản lý thị trường tài chính… được ngành tài chính triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, xin Bộ trưởng chia sẻ cảm nhận của mình?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 đã được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của những yếu tố và diễn biến không thuận lợi về địa kinh tế chính trị trên thế giới.

Ở trong nước cũng đã phát sinh các yếu tố tác động không thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, GDP 9 tháng chỉ tăng 4,24%, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, tình hình doanh nghiệp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành Tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, thể hiện trên các mặt chủ yếu sau.

Thứ nhất, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách tài chính - NSNN đã được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, ngành Tài chính đã kịp thời đề xuất, ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.

Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ước tính đến hết tháng 8 khoảng 132 nghìn tỷ đồng.

Thứ ba, công tác quản lý, huy động và vay, trả nợ công đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về quản lý nợ công theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho phát triển, đảm bảo chi phí huy động phù hợp.

Thứ tư, về quản lý giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, điều hành giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá (xăng dầu, điện, dịch vụ giáo dục, y tế...).

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương theo dõi diễn biến thị trường thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường thế giới.

Thứ năm, về thị trường chứng khoán, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán; kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt vai trò đàm phán, triển khai thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do cũng như thực hiện các chương trình hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tài chính. Xây dựng các phương án cam kết, phương án đàm phán và các hợp tác tài chính, đặc biệt là về thuế xuất, nhập khẩu của Việt Nam với chất lượng cao.

Mekong ASEAN: Kinh tế những tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 8 tháng đầu năm, cả nước có 124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông nội lực nền kinh tế. Điều gì làm Bộ trưởng thấy hài lòng nhất và nếu còn điều gì trăn trở, xin Bộ trưởng chia sẻ suy nghĩ của mình?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Như tôi đã nói ở trên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023.

Trong đó phải kể đến một số giải pháp tiêu biểu như giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44 về giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân.

Với những giải pháp đồng bộ đang được triển khai nêu trên, dự kiến sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; Số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Có thể nói, trong các thời điểm khó khăn của đất nước, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách có lợi nhất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, từ đó hỗ trợ nền kinh tế từng bước hồi phục.

Tất nhiên, còn nhiều điều khiến chúng tôi trăn trở. Đó là làm sao việc ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc đúng đối tượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, vẫn còn những vướng mắc, đây đó vẫn chưa nhận được sự đồng tình, thống nhất cao dù chúng tôi hiểu rằng, một chính sách rất khó có thể thỏa mãn được tất cả các đối tượng trong xã hội.

Mekong ASEAN: Bộ trưởng đánh giá thế nào về bản lĩnh của các doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn đầy khó khăn, cần rất nhiều nỗ lực để phục hồi sản xuất kinh doanh hiện nay?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn có sự đóng góp quan trọng của giới doanh nhân. Từ vị trí hầu như không có gì trên bản đồ kinh tế thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong Top 40 lớn nhất về GDP và Top 20 về quy mô thương mại thế giới.

Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực mà còn vươn lên trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các doanh nhân đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Khoảng thời gian đóng cửa do dịch bệnh kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.

Nhưng trong khó khăn, chúng ta đã nhìn thấy năng lực và bản lĩnh rất lớn của doanh nhân Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, sáng tạo, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã biết nắm bắt cơ hội từ những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau đại dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế.

Với sự nhạy bén, sáng tạo cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi tin tưởng rằng, giới doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, xứng đáng với sức mạnh và tinh thần, bản lĩnh Việt Nam.

Mekong ASEAN: Về truyền cảm hứng, xin Bộ trưởng cho biết, các thế hệ doanh nhân Việt Nam cần được xây dựng và tiếp nối như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Có thể thấy rằng, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng doanh nhân Việt Nam, nhất là doanh nhân trẻ đã ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.

Nhiều doanh nhân trẻ đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại. Đó là sự sáng tạo, có tầm nhìn xa, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với rủi ro, thách thức, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, vươn lên cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có tinh thần dân tộc và ý chí kinh doanh tự chủ.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ doanh nhân trẻ nước ta vẫn còn một số hạn chế. Để có thể đi xa hơn, tôi mong rằng, các doanh nghiệp trẻ, doanh nhân tiếp tục nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội, kinh doanh liêm chính, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác. Tiên phong ứng dụng công nghệ, quản trị hiện đại; hun đúc, lan tỏa tinh thần đổi mới, khích lệ tinh thần khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp, doanh nhân cần đặt mình trong bối cảnh hội nhập mở cửa thị trường theo cam kết về thời hạn và lộ trình được xác định, trong không gian toàn cầu, chuẩn bị cho mình một tầm nhìn hội nhập - tầm nhìn toàn cầu. Tầm nhìn đó phải được thể hiện cụ thể trong một chiến lược tương đối dài hơi của mỗi doanh nhân trên cơ sở nhận thức một cách đầy đủ về lộ trình hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.

Đọc tiếp