Mỹ chỉ trích việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Ngũ cốc Nga - Ukraine
11:10 - 18/07/2023
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh: Yahoo News
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh: Yahoo News
0:00 / 0:00
0:00
Điện Kremlin ngày 17/7 tuyên bố đình chỉ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vì cho rằng các điều khoản liên quan đến Nga không được thực hiện. Tuy nhiên động thái này của Moscow bị Mỹ cáo buộc là hành động “vũ khí hóa lương thực”.

"Quyết định của Nga nhằm tiếp tục phong tỏa các cảng của Ukraine và ngăn chặn ngũ cốc tiếp cận các thị trường sẽ gây hại cho người dân trên toàn thế giới. Nga sẽ hoàn toàn và duy nhất phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động này", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố, theo ABC News.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi quyết định của Nga là động thái "vũ khí hóa lương thực", coi đây là "công cụ trong cuộc chiến nhằm vào Ukraine". Quan chức này đồng thời kêu gọi các nước cần "theo dõi sát sao" các hành động từ phía Moscow.

Ông Blinken và ông Kirby cũng lưu ý rằng giá ngũ cốc toàn cầu đã tăng ngay sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận. Cả hai cho biết, mặc dù Mỹ và các đối tác sẽ tìm cách tuyến xuất khẩu thay thế, nhưng không có cách nào để vận chuyển một lượng lớn ngũ cốc như hiện nay.

Mỹ chỉ trích việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ảnh 1

Một chiếc xe tải dỡ ngũ cốc tại một cảng ngũ cốc ở Izmail, Ukraine, ngày 26/4. Ảnh: AP

Tuyên bố của quan chức Mỹ được đưa ra sau khi Điện Kremlin thông báo thỏa thuận Biển Đen đã hết hiệu lực từ ngày 17/7 và "Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thỏa thuận nếu các điều kiện mà Moscow đưa ra được đáp ứng".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng các bên ký kết khác của thỏa thuận ngũ cốc "vẫn chưa tôn trọng một số điểm chính" liên quan đến Nga, bao gồm việc việc xuất khẩu lương thực và phân bón vẫn đang bị chặn, các giao dịch ngân hàng, bảo hiểm và hậu cần bị tê liệt.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, quyết định không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc đồng nghĩa với việc Moscow sẽ "thu hồi các đảm bảo an ninh hàng hải, chấm dứt hành lang nhân đạo trên biển và khôi phục chế độ ‘khu vực nguy hiểm tạm thời’ ở khu vực tây bắc Biển Đen".

Mỹ chỉ trích việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ảnh 2

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 17/7 lưu ý rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc sẽ khiến Bản ghi nhớ của nước này và Liên Hợp Quốc sẽ bị chấm dứt. Ông cho rằng hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga đã dần trở nên ổn định và phục hồi nhờ vào thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Ông cho biết, khi Nga đặt vấn đề về việc Ngân hàng Nông nghiệp Nga (RAB) cần được tiếp cận hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, Liên Hợp Quốc đã đưa ra một đề xuất trung gian giữa Nga và Ủy ban châu Âu (EC) để cho phép một công ty con của RAB được quyền truy cập vào SWIFT.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày thông báo đã gửi đề xuất đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, kêu gọi tiếp tục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà không cần có Nga.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc được Điện Kremlin đưa ra vài giờ sau khi cầu Crimea - nối giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea - bị tấn công khủng bố, khiến 2 người thiệt mạng và 1 trẻ em bị thương. Tuy nhiên, giới chức Nga cho biết hai vụ việc này không liên quan đến nhau.

Mỹ chỉ trích việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ảnh 3

Cầu Crimea bị hư hại sau vụ tấn công sáng 17/7. Ảnh: Crimea24TV

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI), do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm bên trung gian giữa Nga và Ukraine, được ký kết tại Istanbul vào ngày 22/7/2022 với thời hạn 120 ngày. Các bên sẽ lần lượt cùng gia hạn sau 3 tháng.

BSGI được xem là biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có nguy cơ bùng nổ trong cuộc xung đột tại Ukraine. Trong đó, Nga đồng ý dỡ bỏ phong tỏa 3 cảng Biển Đen để Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới. Liên Hợp Quốc cũng đồng ý giúp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần chỉ trích thỏa thuận này, khẳng định rằng nó không hoạt động như dự kiến.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Moscow sẽ “đình chỉ tham gia vào thỏa thuận này” trừ khi xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này được dỡ bỏ. Ông mô tả thỏa thuận giống như một "trò chơi một chiều", nhấn mạnh rằng "không một mục tiêu nào liên quan đến lợi ích của Nga được đáp ứng".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.