Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 28/5. Ảnh: Reuters |
Nhiều nhà lập pháp cho biết sẽ giữ lại phán quyết của mình cho tới khi xem xét các chi tiết trong thỏa thuận. Tuy nhiên hiện đã có một số nhà lập pháp chỉ trích thỏa thuận này là không đủ để giải quyết nợ quốc gia, trong khi những người khác lo lắng rằng nó quá khắt khe và sẽ gây hại cho nhiều người Mỹ có thu nhập thấp.
Cụ thể, AP cho biết một số thể hiện sự phản đối sớm nhất là các thành viên bảo thủ của Quốc hội, đặc biệt là từ House Freedom Caucus theo đường lối cứng rắn và thường đụng độ với lãnh đạo đảng Cộng hòa.
Trong khi dân biểu Matt Rosendale nhận định trên Twitter trong cùng ngày rằng “Tôi nghĩ đây là một thảm họa”, Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết: “Những người theo chủ nghĩa bảo thủ giả tạo đồng ý cắt giảm chi tiêu giả tạo”. Hạ nghị sĩ Ralph Norman cũng nhận định thỏa thuận này là “điên rồ”. Ông khẳng định: “Việc tăng trần nợ thêm 4.000 tỷ USD trong khi hầu như không cắt giảm chi tiêu không phải là điều chúng tôi đồng ý. Tôi sẽ không bỏ phiếu để khiến đất nước phá sản. Người dân Mỹ xứng đáng với những điều tốt hơn”.
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trước đó đã dự đoán được rằng thỏa thuận với Nhà Trắng sẽ làm mất đi sự ủng hộ của một số thành viên, do đó câu hỏi được đặt ra là liệu nó có nhận được đủ sự ủng hộ của đảng Dân chủ để bù đắp cho sự mất đi đó hay không.
Tuy một số đảng viên Dân chủ không thích việc đóng băng chi tiêu cho các chương trình phi quốc phòng vào năm tới và lo lắng việc siết chặt yêu cầu đối với những người dân Mỹ nhận trợ cấp, nhiều phản ứng ban đầu cho thấy họ đang thận trọng chờ đợi thêm các chi tiết cụ thể.
Hạ nghị sĩ Annie Kuster, đồng thời là chủ tịch của một nhóm trung tả được gọi là New Dems với khoảng 100 thành viên, cho biết nhóm này “tin tưởng” rằng các nhà đàm phán của Nhà Trắng đã đưa ra một “giải pháp lưỡng đảng, khả thi để chấm dứt cuộc khủng hoảng này”.
Tuy nhiên một số người khác lại không đồng tình. Trả lời hãng tin CNN ngày 28/5, Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal – chủ tịch nhóm Congressional Progressive Caucus - phản đối việc siết chặt yêu cầu với người dân Mỹ nhận hỗ trợ lương thực và tiền mặt. Đồng thời, bà cũng gọi việc này là một chính sách khủng khiếp.
Tuy nhiên, bà cho biết mình đang chờ chi tiết cụ thể trong thỏa thuận nhằm xác định mức độ miễn trừ đối với các yêu cầu mà ông Biden đã thành công đàm phán được cho các cựu chiến binh, người vô gia cư và những trẻ em mồ côi sử dụng dịch vụ chăm sóc thay thế.
Nhìn chung, bà khẳng định đây là một chính sách tồi và nó thể hiện với những người nghèo và những người đang gặp khó khăn rằng chính phủ không tin tưởng vào họ. Khi được hỏi liệu các đảng viên Đảng Dân chủ tại Nhà Trắng và trong giới lãnh đạo quốc hội có phải lo lắng về việc liệu nhóm của bà có ủng hộ dự luật hay không, bà khẳng định là “họ nên cảm thấy lo lắng”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Điện Capitol ngày 27/5. Ảnh: Reuters |
Về phía Business Roundtable, một nhóm gồm hơn 200 giám đốc điều hành, thể hiện thái độ đồng tính với thỏa thuận này. AP trích dẫn giám đốc điều hành của nhóm này là ông Joshua Bolten cho biết: “Ngoài việc nâng trần nợ, thỏa thuận còn giúp đưa nước Mỹ vào một quỹ đạo tài chính bền vững hơn. Nó cũng giúp dọn đường cho các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng mới”.
Mặt khác, Phòng Thương mại Mỹ cũng kêu gọi bỏ phiếu đồng ý thỏa thuận này càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế. Trong khi đó, Ủy ban Ngân sách Liên bang đưa ra nhận định rằng nếu luật này được thông qua, nó sẽ là thỏa thuận giảm thâm hụt ngân sách lớn đầu tiên trong gần chục năm.