Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
“Tổng thống Joe Biden gần đây đã chỉ đạo đội ngũ của ông đảm bảo rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho các mục đích phản công ở Kharkov, để đáp trả các lực lượng Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công họ,” một quan chức Mỹ tiết lộ vào ngày 30/5, theo Reuters.
Tuy nhiên, nguồn tin của Reuter lưu ý rằng, quyết định của Tổng thống Biden chỉ áp dụng đối với các mục tiêu bên trong nước Nga gần biên giới với khu vực Kharkov. Mỹ vẫn “không thay đổi” chính sách cấm quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS - có tầm bắn lên tới 300 km và các loại vũ khí tầm xa khác do nước này cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết thêm rằng họ không lường trước được việc liệu Washington có mở rộng khu vực được phép tấn công hay không.
Một quan chức Mỹ cũng nói Ukraine đã được phép sử dụng vũ khí phòng không của Mỹ để hạ gục mối đe dọa sắp xảy ra từ máy bay Nga bay trong không phận Ukraine. Nhưng Washington vẫn cấm Kiev nhắm mục tiêu vào máy bay Nga đang hoạt động trong không phận Nga.
Nhà Trắng chưa đưa bình luận về thông tin nói trên. Theo CNN, nếu được chính thức xác nhận, việc nới lỏng các hạn chế sử dụng vũ khí sẽ đánh dấu sự phá vỡ chính sách lâu đời của Mỹ. Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng từ các đồng minh thân cận trong việc hỗ trợ và ủng hộ Ukraine.
Đây cũng được coi là lần thứ hai trong năm nay, chính quyền ông Biden lặng lẽ nới lỏng chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đầu tháng 4, Washington xác nhận rằng nước này đã chuyển cho Kiev các tên lửa tầm xa ATACMS – nằm trong gói viện trợ quân sự khẩn cấp trị giá 300 triệu USD.
Theo New York Times và Politico, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đều muốn ông Biden cho phép các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Trong bài phát biểu bên lề chuyến thăm Moldova ngày 30/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine “sẽ thay đổi khi các điều kiện thay đổi, chiến trường thay đổi, cũng như những gì Nga làm đã thay đổi”. “Chúng tôi cũng đã thích nghi và điều chỉnh. Tôi tin tưởng chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó,” ông Blinken nhấn mạnh.
Trong khi đó, nội bộ phương Tây vẫn đang bất đồng về việc có nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để tấn công vào lãnh thổ Nga hay không. Anh, Hà Lan, Thụy Điển, các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đan Mạch, Đức và Pháp đã lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách vũ khí đối với Ukraine.
Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Economist rằng các thành viên của khối - những nước đang cung cấp vũ khí cho Ukraine, nên xem xét việc cho phép Kiev sử dụng những vũ khí này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, bình luận của ông Stoltenberg đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ một số quốc gia thành viên NATO. Các quan chức cấp cao của Italy, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni, đã bác bỏ đề xuất này.
Giới chức Nga cũng chưa bình luận về thông tin trên.
Ông Putin cảnh báo ý tưởng dùng vũ khí phương Tây tấn công đất Nga
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của Ukraine vào lãnh thổ Nga vốn cần sự trợ giúp về vệ tinh, tình báo và quân sự của phương Tây, điều này đồng nghĩa rằng phương Tây trực tiếp có liên quan.
“Các quan chức từ các nước NATO, đặc biệt là những quan chức tại châu Âu, ở các nước nhỏ ở châu Âu, nên nhận thức đầy đủ về những gì đang bị đe dọa. Họ nên nhớ rằng đất nước của họ là những quốc gia nhỏ và đông dân. Đây là yếu tố họ cần cân nhắc trước khi bắt đầu bàn về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga,” chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh.