Mỹ hối thúc HĐBA bỏ phiếu nghị quyết ngừng bắn ‘ngay lập tức’ ở Gaza

XUNG ĐỘT ISRALE - HAMAS
10:09 - 22/03/2024
Khói bốc lên gần Bệnh viện Al-Shifa, phía tây Thành phố Gaza, ngày 21/3. Ảnh: Getty Images
Khói bốc lên gần Bệnh viện Al-Shifa, phía tây Thành phố Gaza, ngày 21/3. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/3 sẽ tổ chức bỏ phiếu dự thảo nghị quyết của Mỹ về việc kêu gọi “bắt buộc” có một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài” ở Gaza, nhằm bảo vệ dân thường và cho phép viện trợ nhân đạo tại khu vực này.

CNN đưa tin, ông Nate Evans – người phát ngôn phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc, ngày 21/3 cho biết dự thảo nghị quyết về Gaza do Washington đề xuất sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra bỏ phiếu vào sáng 22/3 (giờ địa phương).

“Mỹ đã làm việc nghiêm túc với các thành viên Hội đồng trong vài tuần qua về một nghị quyết hỗ trợ rõ ràng cho các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra, nhằm đảm bảo cho lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza như một phần của thỏa thuận con tin, giúp giải thoát các con tin và tăng cường viện trợ nhân đạo,” ông Nate Evans nói.

Theo Reuters, dự thảo nghị quyết mới nhất mà Mỹ đưa ra đánh dấu sự cứng rắn hơn hơn nữa trong lập trường của Washington đối với Israel trong cuộc chiến đã kéo dài hơn 5 tháng ở Dải Gaza.

Dự thảo nhấn mạnh rằng một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài” kéo dài trong khoảng 6 tuần sẽ bảo vệ dân thường ở Gaza và cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo. Văn bản này cũng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian để kiến tạo lệnh ngừng bắn, nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc sử dụng thời gian đình chiến để tăng cường nỗ lực theo đuổi “hòa bình lâu dài”.

AP cho biết, dự thảo nghị quyết không đề cập trực tiếp đến việc thả các con tin bị bắt trong cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ở Israel vào ngày 7/10/2023. Tuy nhiên, văn bản này sẽ “hướng tới mục tiêu đó” và chắc chắn sẽ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao “để đảm bảo một lệnh ngừng bắn có liên quan đến việc thả tất cả các con tin còn lại”.

Sau cuộc họp kín của 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào chiều 21/3 (giờ địa phương), khi được phóng viên hỏi liệu dự thảo nghị quyết của Mỹ có được thông qua không, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Tôi lạc quan. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian như vậy, vì chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ”.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nói với các phóng viên rằng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức và nếu nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức thì “tất nhiên chúng tôi sẽ ủng hộ”.

Để một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, cần có ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có bên nào trong 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga hoặc Trung Quốc dùng quyền phủ quyết.

Người dân Palestine thu dọn đống đổ nát sau cuộc tấn công của Israel vào Rafah, miền nam Gaza, ngày 20/3. Ảnh: AP

Người dân Palestine thu dọn đống đổ nát sau cuộc tấn công của Israel vào Rafah, miền nam Gaza, ngày 20/3. Ảnh: AP

Trước đó, Mỹ đã phủ quyết 3 dự thảo nghị quyết về cuộc xung đột Israel – Hamas tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có 2 dự thảo yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức. Hồi cuối tháng 2, Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống, trong khi Anh bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết do Algeria (dẫn đầu các quốc gia Ả Rập) đưa ra về việc yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. .

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield khi đó tuyên bố rằng, Washington dùng quyền phủ quyết vì lo ngại dự thảo nghị quyết này sẽ “tác động tiêu cực” đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar nhằm tìm cách trở thành trung gian cho thỏa thuận con tin mà Hamas bắt giữ và tạm dừng giao tranh.

Cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10/2023 khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công lãnh thổ Israel bằng hàng nghìn quả rocket, khiến hơn 1.200 người ở Israel thiệt mạng và 253 con tin bị đưa sang Dải Gaza. Để đáp trả, Israel đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Dải Gaza, bao gồm tiến hành các cuộc không kích và tấn công trên bộ.

Cơ quan Y tế Gaza cho biết tổng số người thiệt mạng tại khu vực này lên tới 31.988 người, với 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Khoảng 1,5 triệu người dân Palestine đang trú ẩn tại Rafah sau khi các cuộc oanh tạc của Israel đã san bằng các khu vực lân cận.

Theo Trung tâm Vệ tinh Liên Hợp Quốc (UNOSAT), ít nhất 35% tổng số tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại, trong đó có hơn 31.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Cơ quan Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) cảnh báo tình trạng thiếu lương thực ở Gaza đã vượt quá mức nạn đói và người dân trong khu vực này sẽ sớm chết đói ở quy mô lớn nếu không có lệnh ngừng bắn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.