Mỹ tài trợ 162 triệu USD cho Microchip đẩy mạnh sản xuất chip

Chip MỸ
10:55 - 05/01/2024
Mỹ tài trợ 162 triệu USD cho Microchip đẩy mạnh sản xuất chip
0:00 / 0:00
0:00
Khoản trợ cấp gồm 90 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại Colorado và 72 triệu USD để mở rộng cơ sở tương tự ở Oregon, sẽ giúp giảm phụ thuộc vào sản phẩm của nước ngoài.

Theo Reuters, trong thông báo ngày 4/1, Bộ Thương mại Mỹ cho biết có kế hoạch cấp cho tập đoàn công nghệ Microchip Technology 162 triệu USD từ khoản trợ cấp của Chính phủ Mỹ để gia tăng sản xuất các thiết bị bán dẫn và vi điều khiển.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ có 90 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại Colorado (Mỹ) và 72 triệu USD để nâng cấp một nhà máy ở Oregon (Mỹ). Khoản đầu tư này giúp Microchip Technology tăng 3 lần sản lượng trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nước ngoài.

Phần lớn số tiền sẽ được dùng để sản xuất bộ vi điều khiển được sử dụng trong quân đội, ô tô, thiết bị gia dụng và thiết bị y tế. Khoản đầu tư cũng giúp tạo 700 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất trong 10 năm tới.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, gói tài trợ là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn truyền thống vốn có trong mọi thiết bị. Ngoài ra, việc hỗ trợ cho Microchip Technology được đưa ra trong bối cảnh Mỹ muốn chuyển sản xuất các chip phổ thông về nước từ các nguồn ở nước ngoài.

Chip bán dẫn được ví như là "xương sống" của ngành công nghệ cao. Thị trường chip bán dẫn đã tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, với số lượng đơn hàng kỷ lục, đẩy doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành lên mức cao mới. Điều này đã dẫn đến cuộc đua giữa các tập đoàn, công ty lớn trên toàn cầu nhằm cạnh tranh ảnh hưởng, cũng như chiếm vị thế về thị phần, nhân lực và hơn hết là nguồn cung trong ngành.

Tuy nhiên gần đây, nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn đang thua lỗ trên mỗi con chip họ sản xuất, theo South China Morning Post. Khoản lỗ từ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất chip đạt mức 5 tỷ USD trong năm 2023. Hàng tồn kho, một chỉ số quan trọng về nhu cầu đối với chip nhớ, đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt mức cung cấp đủ cho 3-4 tháng.

Giám đốc hội đồng kinh tế quốc gia Lael Brainard của Nhà Trắng nhấn mạnh, khoản tài trợ trên còn giúp kiềm chế lạm phát. "Chất bán dẫn là linh kiện chính của nhiều hàng hóa quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Việc gia tăng sản lượng chip sản xuất tại Mỹ sẽ làm giảm nguy cơ về nguồn cung, khiến giá sản phẩm như ô tô, máy giặt hay nhiều mặt hàng khác tăng lên", ông Lael Brainard nói thêm.

Ông Ganesh Moorthy, Giám đốc điều hành Microchip Technology nhận định, khoản trợ cấp này là một sự đầu tư trực tiếp nhằm tăng cường an ninh kinh tế và quốc gia.

Đây là khoản thứ hai trong chương trình 52,7 tỷ USD mang tên "CHIP cho nước Mỹ," mà Quốc hội nước này thông qua hồi tháng 8/2022 để trợ cấp cho nghiên cứu và sản xuất thiết bị bán dẫn. Khoản trợ cấp đầu tiên 35 triệu USD dành cho BAE Systems để sản xuất chip cho máy bay chiến đấu, được thông báo hồi tháng 12.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.