Hoạt động trên công trường dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: USAID |
Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ cho biết, theo hợp đồng, công ty Tetra Tech của Mỹ sẽ tiếp nối việc thiết kế kỹ thuật và thi công, quản lý xây dựng và giám sát môi trường đối với hoạt động xây dựng và xử lý đất, trầm tích ô nhiễm dioxin, nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm cho người dân trong khu vực sân bay Biên Hòa cũng như các cộng đồng xung quanh.
Mục tiêu của dự án là hoàn trả an toàn toàn bộ diện tích đất để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau.
Hoạt động xử lý đất ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa, tháng 12/2022. Ảnh: USAID |
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3, Tổng giám đốc USAID Samantha Power cùng các quan chức chính phủ Mỹ và Việt Nam cũng công bố một hợp đồng trị giá 73 triệu USD. Hợp đồng được trao cho công ty xử lý môi trường của Mỹ là Nelson Environmental Remediation USA để thiết kế, xây dựng và vận hành một khu xử lý phục vụ việc làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD. Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã đóng góp hơn 218 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến sẽ đóng góp cho dự án này.
Từ tháng 4/2019, USAID đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam nhằm xử lý 500.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Năm 2022, USAID cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam hoàn thành xử lý dioxin khu đất nằm phía ngoài sân bay Biên Hòa (gần cổng 2) và bàn giao cho địa phương để làm nơi vui chơi giải trí cho cộng đồng, hoàn thành việc làm sạch khu vực đầu tiên trong sân bay (khu vực phía tây nam), đồng thời hoàn thành việc xây dựng khu lưu trữ lâu dài đối với đất nhiễm dioxin nồng độ thấp đã đào xúc.
Năm nay, Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Trong bài phát biểu kỷ niệm, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết hai nước sẽ tiếp tục khắc phục những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Trong đó, hai bên "tiếp tục rà phá vật liệu nổ còn lại, xử lý ô nhiễm dioxin và nhiều điểm nóng về ô nhiễm, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh trong số những nỗ lực chung khác".