Chi tiêu cho quốc phòng của Nga đã tăng vọt so với thời kỳ trước chiến sự. Ảnh: AP |
Theo Moscow Times, chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng lên hàng tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, nước này không giành được chiến thắng nhanh chóng nên chuyển hướng sang giai đoạn 2 tập trung vào các vùng lãnh thổ phía đông.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga dự báo, nếu chi tiêu quốc phòng của Moscow trong tháng 2 đạt tổng cộng 369 tỷ Ruble (5,4 tỷ USD) thì tháng 3 đã tăng lên 450 tỷ Ruble (6,6 tỷ USD).
Cho đến nay, tháng 4 là tháng Nga chi tiêu quốc phòng lớn nhất với 628 tỷ Ruble (9,2 tỷ USD). Con số này tương đương khoảng 21 tỷ Ruble, tức 308 triệu USD mỗi ngày.
Một đoàn xe thuộc lực lượng ủng hộ Nga di chuyển trên một con đường ở thành phố cảng Mariupol thuộc miền đông Ukraine ngày 21/4. Ảnh: Reuters |
Mức độ chi tiêu hào phóng cho quân sự trong tháng 4 của Nga cũng cao hơn gấp đôi so với thời kỳ trước chiến sự, với 233,7 tỷ Ruble (3,4 tỷ USD) được chi vào tháng 1/2022. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, tổng chi tiêu quốc phòng của Nga là 275 tỷ Ruble (4,5 tỷ USD).
Từ tháng 1 đến cuối tháng 4/2022, tổng chi tiêu quân sự của Nga đạt 1.681 nghìn tỷ Ruble (24,6 tỷ USD). Con số này cao gấp 3 lần số tiền chi cho giáo dục, hơn gấp 2 lần ngân sách chi cho y tế và gấp 10 lần số tiền chi cho quản lý và bảo tồn môi trường.
Trong khi đó, TASS dẫn dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế Nga hôm 19/5 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 7,8%, lạm phát tăng lên 17,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 6,7% và thu nhập thực tế của người dân sẽ giảm 6,8%. Sang năm 2023, phần lớn các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi, chỉ có GDP tăng trưởng âm với mức giảm 0,7%.
Theo bà Natalya Lavrova, nhà kinh tế cấp cao của BCS Global Markets, trong điều kiện hiện tại, nền kinh tế Nga sẽ phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ xuất khẩu. Chuyên gia này nhận định, nếu các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung vào lĩnh vực xuất khẩu nguyên liệu thô của Moscow, các chỉ số kinh tế có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sắp bước sang tháng thứ 4. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động ngoại giao và đàm phán nhằm nỗ lực đàm phán để tìm giải pháp chung cho các bên gần như bị đóng băng.
Liên Hợp Quốc ngày 19/5 đã hối thúc Nga và Ukraine tiếp tục phát triển các kênh liên lạc và hợp tác, vốn đã tạo điều kiện cho các hoạt động sơ tán dân thường và binh sĩ bị thương khỏi Mariupol, nhằm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình đã bị tạm dừng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt gói viện trợ quân sự 100 triệu USD cho Ukraine. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục “bơm đầy” gói viện trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt thêm khoản viện trợ quân sự 100 triệu USD cho Ukraine vào hôm 19/5, nhằm giúp Kiev đẩy lùi chiến dịch quân sự của Moscow.
Đây sẽ là lần thứ mười Tổng thống Biden sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA) để hỗ trợ Ukraine. Khoản viện trợ lần cho phép tổng thống chuyển một lượng lớn vũ khí từ kho dự trữ vũ khí của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội phê chuẩn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết khoản rút vốn lần này nâng tổng viện trợ vũ trí và trang thiết bị của Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự lên khoản 3,9 tỷ USD.