Nga sẽ khởi kiện để đòi lại 300 tỷ USD dự trữ

thanh toán NGA
09:24 - 20/04/2022
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina. Ảnh: Finance.si
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina. Ảnh: Finance.si
0:00 / 0:00
0:00
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga ngày 19/4 cho biết, nước này sẽ có động thái pháp lý nhằm giành lại quyền kiểm soát 300 tỷ USD ngoại hối mà phương tây đã phong tỏa để trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. 

“Việc đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối lần này là chưa có tiền lệ. Vì vậy, chúng tôi sẽ triển khai các bước đi pháp lý và sẵn sàng đệ trình chúng”, hãng tin TASS dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina tuyên bố. Bà nhấn mạnh việc Nga sẽ chống lại các hành vi "xâm phạm tài sản" của phương Tây nhưng không đề cập chi tiết đến thời điểm đệ đơn kiện.

Nga muốn nắm quyền kiểm soát 300 tỷ USD ngoại hối vốn bị phương Tây đóng băng kể từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Nga muốn nắm quyền kiểm soát 300 tỷ USD ngoại hối vốn bị phương Tây đóng băng kể từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cũng nói đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong việc thực hiện thanh toán các hoạt động kinh tế đối ngoại, buộc cơ quan quản lý phải áp dụng các quy định về tiền tệ. Đồng Ruble có thời điểm giảm sâu, khiến Nga phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán ngoại tệ thu được cho ngân hàng.

"Đó là biện pháp bắt buộc. Nếu phần dự trữ vàng và ngoại hối này của chúng tôi không bị đóng băng, thì chúng tôi không cần đến các biện pháp siết chặt trong việc luân chuyển vốn", bà Nabiullina giải thích.

Lệnh đóng băng ngoại hối mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga được xem là đòn trừng phạt kinh tế mạnh nhất mà nước này phải chịu sau khi triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2. Chỉ hai ngày sau đó, tức ngày 26/2, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga để ngăn chặn tiếp cận khoản dự trữ ngoại hối và vàng.

Do vậy, Nga không thể tiếp cận được gần một nửa trong tổng số 609 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng. Khả năng tham gia vào hệ thống tài chính toàn cầu của Nga cũng bị cản trở, bởi hệ thống tài chính SWIFT đã từ chối các ngân hàng Nga giao dịch chuyển tiền quốc tế.

Ngoài ra, các chính phủ Mỹ và phương Tây còn quyết định cấm các giao dịch liên quan đến việc quản lý các khoản dự trữ và tài sản của Ngân hàng Nga, bao gồm các giao dịch với bất kỳ pháp nhân nào, hoặc các pháp nhân hoặc cơ quan thay mặt hoặc theo chỉ đạo của Ngân hàng của Nga.

Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền của EU có thể cho phép các giao dịch, với điều kiện là các giao dịch đó thực sự cần thiết để đảm bảo sự ổn định tài chính của khối toàn châu lục nói chung hoặc một nước thành viên EU riêng biệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp