Xe tăng Nga tại ngoại ô Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters |
Theo tờ RT trích lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga, quân Ukraine đã hạ vũ khí tại nhà máy sắt thép Illich, một cơ sở luyện kim khổng lồ mà lực lượng này đang sử dụng để làm thành trì chống quân đội Nga. Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, có tổng cộng 1.026 quân nhân, trong đó gồm 162 sĩ quan Ukraine đã bị bắt.
Tuy nhiên, phía Ukraine đã bác bỏ các thông tin trên. Cố vấn tổng thống Ukraine là Alexey Arestovich tuyên bố rằng, quân đội nước này đã thực hiện một "cuộc điều động khó khăn và rất rủi ro" tới hỗ trợ các lực lượng đang đóng ở Mariupol. Ông khẳng định điều này mang lại thêm một cơ hội nữa cho Ukraine và giúp tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ trong thành phố.
Trong khi đó, các báo cáo về số lượng lớn quân đội Ukraine hạ vũ khí tại Mariupol bắt đầu xuất hiện từ ngày 12/4 thông qua các đoạn phim từ phóng viên chiến trường. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2, Mariupol đã trở thành một trong những điểm giao tranh dữ dội nhất.
Ảnh vệ tinh chụp lại khung cảnh Mariupol sau khi hứng chịu các cuộc tấn công của Nga. Ảnh: Reuters |
Trong một diễn biến khác, theo Reuters, một quan chức Mỹ cho biết nước này đang tìm cách viện trợ thêm số vũ khí trị giá 750 triệu USD tới Ukraine. Cho tới nay, viện trợ vũ khí của Mỹ cho Ukraine chủ yếu bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống phòng không di động Stinger. Số vũ khí viện trợ sắp tới có thể bao gồm pháo hạng nặng và các hệ thống vũ khí khác.
Nếu thêm gói trợ giúp vũ khí trị giá 750 triệu USD này, lượng viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev sẽ lên hơn 2,4 tỷ USD. Ngoài Mỹ, Ukraine cũng kêu gọi các đồng minh khác như các nước láng giềng NATO cho đến Hàn Quốc cung cấp máy bay, xe tăng và pháo để đối phó với quân đội Nga.
Tuy nhiên, hôm 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Berlin không còn đủ khả năng gửi thêm vũ khí cho Ukraine nữa, nếu không sẽ ảnh hưởng tới kho dự trữ của nước này. Đến đầu tuần, tập đoàn Rheinmetall của Đức cho biết có thể tân trang một số xe tăng Leopard 1 đã qua sử dụng và gửi chúng cho Ukraine.
Cũng trong tuần trước, một nước EU là Slovakia tuyên bố sẽ gửi hệ thống phòng không S-300 tới Ukraine để nhận lại hệ thống “Patriots” do Mỹ sản xuất. Nhưng tới ngày 11/4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng khẩu đội phòng không hiện đại này đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào một nhà chứa máy bay ở Dnepropetrovsk.