Ngân hàng ACB được kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 tăng mạnh

NGÂN HÀNG Việt nAM
20:38 - 10/11/2022
Ngân hàng ACB được kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 tăng mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, nhờ vào kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng khả quan cũng như kiểm soát chi phí tốt trong năm 2022, khả năng lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng ACB sẽ tăng trưởng gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ.

Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ngày 10/11, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết,trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng này đạt 13.500 tỷ đồng, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm ngoái đã đi đúng với kỳ vọng của VDSC.

Về tăng trưởng tín dụng, theo chuyên gia VDSC nhận định, do định hướng hạn chế tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và hạn mức cấp cho ACB trong thời gian còn lại thấp nên mức tăng trưởng tín dụng đã chậm lại so với quý trước. Tính đến hết quý III/2022, tín dụng tại ACB tăng 11,6% so với đầu năm, 19,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,7% theo quý.

Tại báo cáo tài chính quý III/2022, danh mục đầu tư của ACB cũng được cơ cấu lại với việc chuyển 10.000 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ sang trái phiếu tổ chức tài chính, nhằm hưởng lợi suất tốt hơn trong bối cảnh lãi suất tăng và thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ thấp.

Theo ước tính của VDSC, biên lãi ròng (NIM) tại ngân hàng này liên tục duy trì mức độ tăng kể từ quý IV/2022, trung bình tăng 0,58% theo năm và 0,2% theo quý. Tính đến hết quý III/2022, NIM tại ACB ước tính đạt 4,38%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước là 4,3%.

Trong khi đó, theo xu hướng toàn ngành, tỷ lệ CASA của ACB cũng giảm nhẹ từ 25% quý II/2022 xuống 24%. Theo đánh giá của VDSC, do tín dụng tại nhà băng này hạn chế nên người dân và doanh nghiệp rút CASA và tiền gửi ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu và đầu tư ngoài.

Do đó, việc huy động CASA trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào điều kiện vĩ mô và hạn mức tín dụng được cấp. Mặc dù vậy, chuyên gia VDSC cũng cho rằng, dù CASA giảm nhưng tỷ trọng cho vay ngắn hạn tăng có thể hỗ trợ NIM tại ngân hàng này tiếp tục duy trì ổn định vào năm 2023.

Trước những phân tích về các chỉ số kinh doanh tại ACB, chứng khoán VDSC vẫn giữ quan điểm tích cực về chất lượng tài sản của ngân hàng này. Chuyên gia đánh giá, bộ đệm dự phòng đủ vững mạnh trước các tác động tiêu cực đến từ những thay đổi sắp tới về điều kiện vĩ mô và những xáo trộn trong lĩnh vực bất động sản.

Do đó, VDSC kỳ vọng, ngân hàng sẽ ít gặp áp lực trong chính sách dự phòng và kết quả quý IV/2022 sẽ tiếp tục tốt như trong quý III và sẽ tăng trưởng cao trên cơ sở nền so sánh thấp của năm 2021.

Tuy nhiên, đối với năm 2023, chuyên gia nhận định, vẫn còn nhiều điểm hạn chế đối với động lực tăng trưởng của ACB do tín dụng thấp, lãi suất tăng mạnh, áp lực huy động cao và chi phí tín dụng cao hơn.

Qua đó, VDSC dự báo, giai đoạn 2022-2023, lợi nhuận trước thuế tại ACB lần lượt đạt 18.113 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và 19.958 tỷ đồng, chỉ tăng 12% so với cùng kỳ.

Cùng nhận xét về ACB, Chứng khoán SSI Research trước đó cũng đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh trong năm 2022 tại ngân hàng này. SSI dự báo, lợi nhuận trước thuế của ACB có thể đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (tăng 16%), NIM tăng 0,25 điểm % và chi phí dự phòng giảm.

Còn tại VCBS, các chuyên gia lại cho rằng ACB có thể đạt tới 18.272 tỷ đồng lợi nhuận năm nay (gấp 1,5 lần năm 2021) dựa vào tăng cường công nghệ trong vận hành giúp ngân hàng này kiểm soát chi phí tốt hơn trong năm 2022.

Trong khi đó, theo báo cáo tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, ACB đã đưa ra mục tiêu thận trọng hơn so với những con số dự báo trên với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 15.018 tỷ đồng, tăng 25% so với 2021. Tài sản tăng 11% lên 588.187 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi của khách hàng tăng 11% lên 421.897 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 10% lên 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được NHNN giao hồi đầu năm; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, ACB mang về 10.817 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm. Kết quả khả quan này là nhờ các hoạt động thu nhập lãi thuần, dịch vụ, hoạt động khác đều tăng. Đặc biệt ngân hàng được hoàn nhập 180 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ phải trích lập hơn 2.800 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.