Ngân hàng bơm vốn thế nào vào thị trường bất động sản năm 2022

TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN
10:34 - 08/02/2023
Ngân hàng bơm vốn thế nào vào thị trường bất động sản năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng. Nhưng theo giới phân tích, 2023 sẽ là năm "quyết định sống còn" đối với doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ gỡ nút thắt về dòng tiền.

Một ngân hàng tăng cho vay bất động sản với tỷ lệ 80% năm 2022

Theo số liệu Mekong ASEAN thống kê tại 10 ngân hàng công bố chi tiết dư nợ cho vay đối với bất động sản trong kỳ báo cáo tài chính quý 4/2022 gồm: TPBank, Techcombank, VietBank, SHB, PGBank, VPBank, MB, Saigonbank, MSB, Kienlongbank, tính riêng năm 2022, dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản đạt hơn 269.200 tỷ đồng, tăng 55.455 tỷ đồng so với năm 2021, tương đương mức tăng khoảng 26%.

Trong đó, năm 2022, Techcombank vẫn là ngân hàng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất với 108.906 tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Tiếp đến là VPBank với 67.593 tỷ đồng, SHB 31.493 tỷ đồng, MB 21.358 tỷ đồng; VietBank 13.105 tỷ đồng; MSB 10.387 tỷ đồng; TPBank 10.165 tỷ đồng; Kienlongbank 2.928 tỷ đồng; PGBank 2.223,5 tỷ đồng; Saigonbank 1.061 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản năm 2022, đứng đầu là SaigonBank với tỷ lệ lên tới 80%, chiếm tỷ trọng 5,67% trong tổng cho vay khách hàng của nhà băng này. Tiếp đó MB, VPBank, và PGBank có tốc độ tăng lần lượt 69%, 59% và 56%.

Các ngân hàng khác có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng trong năm 2022 còn có SHB tăng 29%; VietBank tăng 20%; Techcombank tăng 14% và TPBank tăng 4%.

Trong khi đó, MSB và KienlongBank có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản giảm trong năm 2022, với mức giảm 13%-14%.

Ngân hàng vẫn tích cực bơm vốn vào kênh bất động sản năm 2022

Bộ Xây dựng mới đây dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022.

Tổng dư nợ tín dụng trong hoạt động kinh doanh BĐS vẫn tăng qua các quý. Theo đó, trong quý I/2022, dư nợ đạt gần 784.000 tỷ đồng, quý II/2022 hơn 784.500 tỷ đồng, quý III/2022 gần 796.700 tỷ đồng và quý IV/2022 gần 800.000 tỷ đồng.

Như vậy, so với cuối năm 2022, dư nợ cho vay BĐS đã tăng khoảng 14% (so với cuối năm 2021 xấp xỉ 700.000 tỷ đồng).

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng.

Thị trường bất động sản vẫn khó khăn, đặc biệt là thanh khoản

Song, bất chấp những tín hiệu tích cực trên, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) trong văn bản kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7/2 vẫn chỉ ra rằng, trong năm 2022 có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021 trong khi đó.

Ngoài ra, năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO.

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không có thưởng Tết Quý Mão; nhiều người dân có nhu cầu nhưng cũng khó tạo lập được nhà ở.

Các doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn, đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng "chết trên đống tài sản".

HoREA dự báo năm 2023 sẽ là năm "quyết định sống còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết "nút thắt" về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản.

Hiện nay, theo HoREA, bên cạnh khó khăn lớn nhất là "vướng mắc pháp lý" chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề "trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn" và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành "nợ xấu" hoặc "nhảy nhóm nợ xấu hơn".

HoREA cho biết, không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà người mua nhà hiện nay cũng khó vay vốn tín dụng.

Tín dụng bất động sản phải được tiếp tục gỡ khó

Thực tế, nhiều tín hiệu cho thấy những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đang là vấn đề trọng tâm được Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương. Điểm đáng chú ý tại nghị quyết mới ban hành, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 03 ngày 27/1/2023.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia nhìn nhận, động thái từ phía cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản thời gian qua là kịp thời. Nhưng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, căn cơ hơn và cụ thể hơn, đi vào thực tế mới có thể giúp cho thị trường hồi phục.

Tín dụng dành cho bất động sản như Thủ tướng đã chỉ đạo là duy trì ở mức hợp lý, tức là không nới lỏng hoàn toàn song không siết chặt, mà dựa trên quy định của các ngân hàng. Chính vì vậy, mong muốn ngân hàng có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản.

Theo ông Nghĩa, nếu thị trường bất động sản không phục hồi, chính hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi tình trạng mất khả năng thanh toán kể cả trái phiếu xảy ra tại hàng loạt doanh nghiệp.

Trong khi đó, trước tình thế khó khăn của doanh nghiệp, HoREA cũng kiến nghị NHNN xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Ngân hàng Nhà nước.

"Đối với doanh nghiệp bất động sản có khoản vay tín dụng quá hạn bị chuyển thành "nợ xấu" có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện dự án thì Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét, cho phép tổ chức tín dụng được xem xét giải quyết khi đáp ứng đủ điều kiện", HoREA đề xuất.

Đọc tiếp