Ngân hàng First Citizens đạt thỏa thuận mua lại 72 tỷ USD tài sản của SVB

SVB First Citizens
17:36 - 27/03/2023
Ngân hàng First Citizens và FDIC cũng tham gia vào một "giao dịch chia sẻ tổn thất", trong đó FDIC sẽ chịu một phần lỗ đối với một nhóm tài sản cụ thể như các khoản vay thương mại được mua từ SVBB. Ảnh: The Economic Times
Ngân hàng First Citizens và FDIC cũng tham gia vào một "giao dịch chia sẻ tổn thất", trong đó FDIC sẽ chịu một phần lỗ đối với một nhóm tài sản cụ thể như các khoản vay thương mại được mua từ SVBB. Ảnh: The Economic Times
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) ngày 27/3, First Citizens Bank sẽ mua lại các khoản tiền gửi và khoản vay của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), chỉ hơn 2 tuần sau khi ngân hàng này sụp đổ.

Theo đó, First Citizens sẽ mua lại khoảng 72 tỷ USD tài sản của Silicon Valley Bank (SVB) với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD. FDIC vẫn sẽ tiếp nhận khoảng 90 tỷ USD tài sản chứng khoán và các tài sản khác của SVB.

"Ngoài ra, FDIC đã nhận được quyền định giá cao vốn chủ sở hữu ở First Citizens BancShares tại thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina, cùng cổ phiếu phổ thông có giá trị lên tới 500 triệu USD", CNBC dẫn lời FDIC trong một thông cáo.

Thương vụ này diễn ra sau khi cơ quan quản lý chuyển toàn bộ tiền gửi và tài sản của SVB sang một “ngân hàng cầu nối” (Silicon Valley Bridge Bank - SVBB), hồi đầu tháng 3 nhằm bảo vệ người gửi tiền.

“17 chi nhánh trước đây của Silicon Valley Bridge Bank, Hiệp hội Quốc gia, được khai trương với tên gọi First–Citizens Bank & Trust Company vào thứ Hai 27/3/2023,” tuyên bố ngày 26/3 của FDIC cho biết.

Theo FDIC, khách hàng của SVBB, Hiệp hội Quốc gia sẽ tiếp tục sử dụng chi nhánh hiện tại cho đến khi nhận được thông báo chuyển đổi hệ thống hoàn tất từ First-Citizens Bank & Trust Company.

Ngân hàng First Citizens và FDIC cũng tham gia vào một "giao dịch chia sẻ tổn thất", trong đó FDIC sẽ chịu một phần lỗ đối với một nhóm tài sản cụ thể như các khoản vay thương mại được mua từ SVBB.

"Giao dịch chia sẻ tổn thất sẽ tối đa hóa khả năng thu hồi tài sản bằng cách giữ chúng trong khu vực tư nhân. Giao dịch này cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu sự gián đoạn đối với các khách hàng ", FDIC lý giải.

Cơ quan quản lý cho biết thêm, chi phí ước tính mà SVB không thể trả được Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF) rơi vào khoảng 20 tỷ USD. Chi phí chính xác sẽ được xác định sau khi chấm dứt quyền tiếp nhận.

Trước đó, vào ngày 10/3, giới chức quản lý đã đóng cửa ngân hàng SVB, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm, đồng thời giao quyền kiểm soát tiền gửi tại đây cho FDIC. Đây được coi là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo FDIC, tính đến ngày 10/3, ngân hàng cầu nối SVBB có tổng tài sản ở mức xấp xỉ 167 tỷ USD và tổng tiền gửi khoảng 119 tỷ USD.

Sự sụp đổ của SVB đã gây ra làn sóng chấn động ngành ngân hàng toàn cầu và được cho là một trong những chất xúc tác dẫn đến sự sụp đổ của gã khổng lồ Thụy Sĩ Credit Suisse và sự giải cứu khẩn cấp của đối thủ trong nước là UBS.

Tin liên quan

Đọc tiếp