Người dân ở thủ đô Khartoum, Sudan, xếp hàng trước một tiệm bánh. Nước này có mức nợ cao nhất trong số các nước đang phát triển. Ảnh: AP |
Theo Guardian, báo cáo của WB chỉ ra rằng các khoản thanh toán dịch vụ nợ trên (cả gốc và lãi) đã tăng 5% so với năm trước và tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với những nước nghèo nhất thế giới.
Báo cáo cho biết, 75 nước đủ điều kiện vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - tổ chức hỗ trợ các nước nghèo nhất của WB – đã phải trả nợ kỷ lục 89 tỷ USD vào năm 2022.
Trong thập kỷ qua, các khoản thanh toán lãi suất của các nước này đã tăng gấp 4 lần lên mức cao nhất mọi thời đại là 23,6 tỷ USD (tính đến năm 2022). Báo cáo cho biết, chi phí trả nợ đối với 24 nước nghèo nhất dự kiến sẽ tăng vọt lên tới 39% vào năm 2023 và 2024.
Ông Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó Chủ tịch cấp cao của WB, nhận định rằng: "Mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều nước vào con đường khủng hoảng".
"Mỗi quý lãi suất vẫn ở mức cao sẽ khiến nhiều nước đang phát triển trở nên khó khăn hơn, phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc đầu tư vào y tế công cộng, giáo dục và cơ sở hạ tầng", ông cho hay.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, việc thiếu sự phối hợp hành động giữa các chính phủ mắc nợ, chủ nợ tư nhân và chính thức cũng như các tổ chức tài chính đa phương có thể dẫn đến thêm một "thập kỷ mất mát".
Sau một thời gian dài duy trì lãi suất thấp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đã phản ứng trước tình trạng lạm phát cao hơn bằng cách tăng lãi suất. Tuy nhiên, WB cho rằng động thái này đã làm tăng thêm nguy cơ nợ nần ở tất cả các nước thu nhập thấp và trung bình.
Chỉ trong 3 năm qua, đã có 18 vụ vỡ nợ quốc gia ở 10 quốc gia đang phát triển, lớn hơn con số được ghi nhận trong hai thập kỷ trước. Báo cáo cảnh báo rằng, khoảng 60% quốc gia thu nhập thấp có nguy cơ cao hoặc đã lâm vào tình trạng nợ nần.
Các nhà vận động về nợ cho biết, tình hình hiện nay đòi hỏi một chiến lược toàn diện nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nước nghèo trên quy mô của các sáng kiến được đưa ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.