Ngành thép đang trên đà phục hồi. Ảnh minh họa: Tập đoàn Hòa Phát |
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng thép các loại đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ 2022.
Xuất khẩu thép đạt 7,4 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu của thép Việt chủ yếu là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc).
Về giá thép, sau tháng 9 và tháng 10 đứng giá, giá thép nội địa ghi nhận 3 phiên tăng trong tháng 11 đặc biệt là tại miền Bắc. Mức tăng mạnh nhất trong tháng là 410 đồng/kg tại phiên ngày 22/11. Nhờ các phiên tăng giá, thép của thương hiệu Hòa Phát và VAS đã vượt mức 14.000 đồng/kg.
Giá thép nội địa đã tạo đáy
Trong báo cáo triển vọng ngành thép cập nhật ngày 13/12, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp quanh 3.600-4.200 USD/tấn như hiện nay cho tới ít nhất nửa đầu 2024 do nhu cầu chưa hồi phục khi thị trường nhà ở nước này chưa có dấu hiệu ấm lên, các chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản cần thêm nhiều thời gian để thẩm thấu.
Dựa theo chỉ số RMI (chỉ số bất động sản Trung Quốc) vốn có tương quan khá sát với biến động giá thép, VCBS nghiêng về khả năng chu kỳ giá thép dò đáy ít nhất sẽ cần 6 tháng nữa. Hiện nay RMI đang ở dưới mốc 100 (RMI ở mức 93,44 – thấp ngang khủng hoảng bất động sản Trung Quốc năm 2014-2015) cho thấy ngành này vẫn ở giai đoạn rất yếu. Quá trình hồi phục từ đáy thường mất từ 6 tháng tới 1 năm sau những chính sách kích thích của Chính phủ.
Tại Việt Nam, VCBS nhận định giá thép ở mức 13,5 triệu đồng/tấn (giá thép thanh thấp nhất của HPG) đã là mức đáy, do ở mức giá này các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện EAF duy trì mức biên lợi nhuận gộp hòa vốn hoặc lỗ. Ngoài ra, giá thép thanh trong nước hiện tại đã thấp ngang với giá Trung Quốc nhập khẩu nên tiềm năng giảm giá là không nhiều. Tuy nhiên, chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc nên khó có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới.
Nguồn: VCBS |
Theo đơn vị phân tích, giai đoạn vừa qua giá thép có sự hồi phục chủ yếu do những kỳ vọng ngắn hạn từ các gói chính sách của chính phủ Trung Quốc và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá thép thanh nhiều khả năng duy trì ở mức 14.000-15.000 triệu đồng/tấn cho đến hết nửa đầu năm 2024, trước khi có những sóng tăng giá sau đó.
Kỳ vọng từ nhu cầu hồi phục
Giá thép khó tăng mạnh nhưng ngành thép Việt Nam sẽ được kích thích thêm từ nhu cầu. Theo dự báo của WSA (Hiệp hội Thép thế giới), nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023 hồi phục nhẹ ở mức 1,8% và tiếp tục tăng trưởng 1,9% vào năm 2024. Trong đó, sự hồi phục đáng kể ở các quốc gia châu Âu, châu Á, Mỹ…
Nhu cầu nhập khẩu thép tại các quốc gia chủ lực như Mỹ, EU có tốc độ hồi phục tốt trong 9 tháng đầu năm 2023, tính từ đáy quý 4/2022. Nhu cầu nhập khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục quán tính duy trì tích cực trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chênh lệch giá bán nội địa EU, Mỹ và khu vực châu Á đang ở mức cao.
VCBS kỳ vọng năm 2024, đầu tư công sẽ bứt phá bởi giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2023 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ. Tuy nhiên tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều.
Ngành bất động sản nội địa dần phục hồi cũng là bệ đỡ cho nhu cầu ngành thép vào 2024. “Thị trường xây dựng bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Điểm tiêu cực đến từ việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp”, công ty chứng khoán phân tích.
VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 15% trước khi hồi phục 11% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.