UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035" trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể là tập trung thu hút đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa với nhóm sản phẩm chính gồm: Sợi, quần áo, giầy dép da xuất khẩu, nguyên phụ liệu hỗ trợ ngành dệt may, da giày.
Từ năm 2024 đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may, da giày đạt 18 - 19%, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đạt 17 - 18%.
Về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày bình quân từ nay đến năm 2025 đạt từ 17 - 18%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 16 - 17%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may, da giày đạt khoảng 755 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 1.600 triệu USD.
Đồng thời nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may, da giày đạt trên 45%.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An định hướng ưu tiên phát triển các dự án ngành may có quy mô lớn, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát triển các sản phẩm may mặc phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa, đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nhập khẩu nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước và dần tạo xu hướng có sức ảnh hưởng lan tỏa ra thị trường quốc tế. Tập trung đổi mới công nghệ, trang thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển khâu thiết kế tạo mẫu, cắt vải tự động, đa dạng hóa sản phẩm; giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong toàn ngành…
Đối với ngành dệt, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các dự án sản xuất mặt hàng vải dệt kim, dệt thoi, là sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc và sản phẩm vải cao cấp phục vụ may xuất khẩu đáp ứng nhu cầu các nhà máy may mặc trong nước.
Thu hút các dự án mới trong ngành dệt có suất đầu tư lớn (trừ khâu nhuộm), đầu tư máy móc thiết bị hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường. Quy hoạch phát triển một số vùng nguyên liệu để phục vụ ngành dệt, sản xuất sợi ở địa bàn các huyện có lợi thế đáp ứng nhu cầu các nhà máy dệt trong nước, giảm nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào.
Về ngành da giày, tỉnh Nghệ An sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất giày dép đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất hiện có và đầu tư phát triển theo nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển thương hiệu giày thể thao, giày dép da, túi xách, cặp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để khai thác thị trường trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm…
Qua đó, UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ và các nội dung theo quy định. Tăng cường đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống cháy nổ và các quy định pháp luật khác có liên quan; chủ động tiếp cận các chính sách, đề xuất các nội dung hỗ trợ theo quy định…