Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Chiều 5/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2023 của Bộ Tài chính, thông tin với báo chí về việc Bộ Tài chính có đề xuất Chính phủ trình Quốc hội kỳ họp diễn ra vào cuối tháng 10 về việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết hiện Bộ Tài chính đang tiến hành các bước theo quy trình, thủ tục nghiên cứu chính sách để đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Cụ thể, ông Tuấn thông tin do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Cụ thể tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng.
Đối với năm 2023, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là khoảng 196.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 121.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỷ đồng, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho một số nhóm hàng hóa dịch vụ.
"Hiện Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã triển khai trong thời gian qua để có thể tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành trong thời gian tới", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ lưu ý Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2023.
Đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 02 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/10/2023.
Đẩy nhanh thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế
Cũng tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2023 của Bộ Tài chính, liên quan đến việc chậm hoàn thuế VAT khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi cần nguồn vốn để tái đầu tư kinh doanh, sản xuất, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, cơ quan thuế phải xác minh kỹ trước khi hoàn thuế VAT để không xảy ra tình trạng lợi dụng kẽ hở chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Tuy nhiên, tình trạng chậm hoàn thuế VAT còn kéo dài, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Do đó, cơ quan thuế cần phải sớm có giải pháp nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp có các khoản thuế được hoàn để tránh tình trạng này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu hai vấn đề cần giải quyết sớm, là ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ của cán bộ thuế.
Cùng với đó, cần xem xét có những vấn đề gì phải giải quyết và chắc chắn nhiệm vụ này là thường xuyên, liên tục, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, giải quyết sớm được ngày nào thì giúp doanh nghiệp bớt khó khăn chừng ấy.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. |
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết nguyên nhân chậm trễ có "yếu tố con người".
"Hiện nay việc chậm trễ trong hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp một phần còn do yếu tố con người, đó là cơ quan thuế vẫn còn làm thủ công nên ảnh hưởng đến tiến trình phân loại hồ sơ và hoàn thuế", ông Mai Sơn nói.
Bên cạnh đó, theo ông Mai Sơn, cơ quan thuế còn phải xác minh, điều tra và phân loại hồ sơ các doanh nghiệp nộp thuế, trong quá trình này cơ quan thuế cũng phát hiện và nghi ngờ một số doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm trong lẩn tránh thuế nên chưa thể hoàn tất việc hoàn thuế.
"Giải pháp trước mắt, chúng tôi đã lập tổ công tác để tháo gỡ, kiểm kê, truy xuất nguồn gốc nếu phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, tổng hợp các ý kiến để gửi Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp để sửa đổi một số quy định liên quan đến công tác hoàn thuế.
Trong quy trình, chúng tôi xác định xây dựng tiêu chí hoàn thuế tích hợp tự động và hoàn thành trong quý 4/2023, trọng tâm là ứng dụng AI và phân loại hồ sơ nộp thuế cho các doanh nghiệp ngay từ đầu", ông Sơn thông tin.