Nguồn cung thịt lợn dồi dào nhưng dự báo nhu cầu tiêu thụ giảm dịp Tết

Thịt lợn Chăn nuôi
11:04 - 02/12/2022
Giá lợn hơi chỉ dao động từ 49.000 - 55.000/kg.
Giá lợn hơi chỉ dao động từ 49.000 - 55.000/kg.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong khi nguồn cung thịt lợn khá dồi dào thì nhu cầu về tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2023 lại được dự báo sẽ giảm. Giá lợn bán ra tiếp tục xuống thấp hơn giá thành chăn nuôi cũng đang gây khó khăn cho hộ sản xuất.

Giá lợn vẫn trên đà giảm

Theo thông tin thị trường, trong sáng ngày 2/12, giá lợn hơi tại các khu vực trên cả nước vẫn biến động giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ giảm, dao động trong khoảng 49.000 - 55.000 đồng/kg.Trong khi đó giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao, bình quân 60.000 đồng/kg, gây nguy cơ thua lỗ cho người chăn nuôi lợn.

Tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023”, ngày 1/12, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi tại địa phương đang ở mức thấp, dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg, trong khi hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang neo ở mức rất cao.

Ông Thắng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có các biện pháp cần thiết, cũng như có sự phối hợp với Bộ Công thương để đưa giá heo hơi về mức phù hợp với thị trường để đảm lợi ích cân đối giữa các bên.

Thông tin về khả năng cung ứng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh Bình Dương trong dịp lễ tết cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, hiện nay, tổng đàn lợn của Bình Dương là khoảng 13,7 triệu con, khả năng cung ứng hàng ngày khoảng 7.000 - 8.000 con, trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là sản xuất cho TP HCM và các tỉnh lân cận.

Như vậy, nguồn cung thịt lợn của Bình Dương còn rất dồi dào và có khả năng kết nối, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành khác, nhưng giá bán thì ở mức thua lỗ cho bà con nông dân.

Tuy nguồn cung khá dồi dào nhưng nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 lại được dự báo sẽ giảm. Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch phụ trách miền Nam Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2022, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại cho người chăn nuôi thấp.

“Tuy hiện nay giá cả không thuận lợi cho người chăn nuôi nhưng số lượng dự trữ nguồn cung cho dịp cuối năm tương đối dồi dào. Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với những năm trước do nhiều lý do khách quan và chủ quan”, ông Nguyễn Quốc Đạt nhận định.

Hoạt động chăn nuôi chưa bám sát yêu cầu thị trường

Đưa ra phân tích về tình hình thị trường chăn nuôi thời quan qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn với số lượng lợn cung cấp ra thị trường đạt gần 6 triệu con, chiếm hơn 20% tổng đàn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: Cần có đầy đủ số liệu để phản ánh đúng thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: Cần có đầy đủ số liệu để phản ánh đúng thị trường.

Thời gian qua, thị trường chăn nuôi chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp liên tục mở rộng sản xuất, tăng tái đàn và không ít đơn vị mới tham gia thị trường. Tuy nhiên, việc cơ quan Nhà nước không nắm được nguồn cung thực tế, thống kê không chính xác dẫn tới dự báo chưa sát, phải chạy theo thị trường.

Theo ông Dương, Luật Chăn nuôi hiện quy định Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải công bố công khai giá các sản phẩm chăn nuôi, và dự báo được tình hình cung cầu hàng tháng, hàng quý cũng như diễn biến chung của thị trường.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong 4 năm qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cộng thêm giá thịt lợn thất thường đã khiến số lượng hộ chăn nuôi giảm từ 4 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ. Không ít mô hình chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ lẻ bị xoá sổ, không trụ được trước biến động của thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp