Lượng lớn bụi mịn thải ra từ lốp xe điện. Ảnh: Nikkei Asia. |
Cũng theo Nikkei Asia, xe điện có xu hướng nặng hơn so với xe chạy xăng do chúng mang theo bộ pin. Trọng lượng của xe điện tiếp tục tăng khi pin ngày càng lớn hơn để mở rộng phạm vi hoạt động cho mỗi lần sạc. Nhưng những chiếc xe trọng lượng cao sẽ thải ra nhiều bụi mịn vì lốp xe mòn nhanh hơn. Theo một ước tính, lốp xe điện thải ra lượng chất ô nhiễm nhiều hơn 30% so với lốp xe chạy bằng xăng.
Theo xu hướng, ô tô ngày càng lớn hơn và nặng hơn. Khi xe điện trở nên phổ biến, xu hướng này cũng tăng tốc. Điển hình, mẫu xe Nio ET7 từ Trung Quốc có phạm vi hoạt động 930 km. Chiếc xe nặng 2.600 kg, gần gấp đôi so với một chiếc xe chạy bằng xăng có cùng kích thước. Mẫu xe nhẹ nhất trong dòng xe bán tải EV Cybertruck của Tesla có trọng lượng 2.995 kg, nặng hơn 30% so với đối thủ chạy xăng Ford F-150.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xe điện chiếm 15% số xe mới được bán trên toàn thế giới vào năm 2023. Tỷ lệ đó được dự báo sẽ tăng lên 40% vào năm 2030 và vượt quá 50% vào năm 2035.
Tỷ lệ xe điện nặng hơn cũng dự kiến sẽ tăng lên khi mọi người tiếp tục tìm kiếm những phương tiện có phạm vi hoạt động xa hơn. Điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đường bộ và môi trường.
Jennifer Homendy, Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho biết: "Tôi lo ngại về nguy cơ thương tích nghiêm trọng và tử vong ngày càng tăng đối với tất cả những người tham gia giao thông do trọng lượng, kích thước, sức mạnh và hiệu suất của các ô tô, bao gồm cả xe điện ngày càng tăng".
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, lốp sử dụng trên xe điện tạo ra nhiều bụi mịn hơn khoảng 30% so với lốp sử dụng trên ô tô chạy bằng xăng. Lốp trên xe điện cũng thải ra thêm các hạt bụi nhỏ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi khi hít phải.
Trước đây, khí thải từ ống xả là nguồn tạo ra các hạt bụi chính cho ô tô chạy xăng, nhưng các nhà sản xuất ô tô đã phát triển công nghệ để giảm lượng khí thải này, khiến lốp xe và các bộ phận khác trở thành nguồn gây ô nhiễm chính. Akiyoshi Ito, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu ô tô Nhật Bản, cho biết: “Để giảm lượng khí thải hạt mịn, cần chú ý đến các bộ phận như lốp và phanh”.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, sự phổ biến của loại xe lớn có dung tích động cơ hơn 2.000 phân khối tiếp tục tăng. Ô tô thuộc loại này chiếm 44% số xe bán ra ở Nhật Bản năm ngoái, tăng từ 26% vào năm 2003. Dữ liệu từ Cơ quan Kiểm tra Ô tô và Hiệp hội thông tin đăng ký cho thấy trọng lượng trung bình của ô tô chở khách tăng khoảng 100 kg lên hơn 1.400 kg.
Thời gian gần đây, sự phát thải các hạt bụi từ lốp xe và các bộ phận ô tô khác đã khiến cơ quan quản lý môi trường trên khắp thế giới giám sát chặt chẽ hơn. Họ đang thảo luận về các tiêu chuẩn quốc tế để đo lường các chất ô nhiễm này. Các nhà sản xuất lốp xe Nhật Bản đang rất quan tâm đến các cuộc đàm phán này vì châu Âu và Nhật Bản sử dụng các phương pháp thu thập dữ liệu khác nhau.
Ông Kenji Kurata, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Nhật Bản cho biết: "Các quy định về môi trường sẽ làm tăng chi phí phát triển cho các nhà sản xuất lốp xe. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ để đảm bảo rằng tiếng nói của các bên được lắng nghe trong việc xây dựng các quy định mới".
Xe điện đã được quảng cáo là chìa khóa cho một tương lai ít carbon. Để hiện thực hóa lời hứa đó, ngành công nghiệp ô tô phải cải tiến công nghệ và tuân thủ quy định để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm từ lốp xe và các bộ phận ô tô khác.