Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby. Ảnh: RBC Ukraine |
Ukrainska Pravda (UP) đưa tin, tại cuộc họp báo định kỳ ngày 15/4, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby đã nhận được các câu hỏi của phóng viên về việc liệu Mỹ có thể bảo vệ Ukraine như cách mà nước này phối hợp cùng Anh và Pháp giúp Israel chống lại cuộc không kích quy mô lớn của Iran hôm 13/4 hay không.
“Tôi biết câu hỏi này sẽ được đặt ra. Hãy nhìn xem, những cuộc xung đột khác nhau, không phận khác nhau và bức tranh về mối đe dọa khác nhau. Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh quan điểm ngay từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu, đó là Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc xung đột này với vai trò là một bên tham chiến,” ông Kirby tuyên bố.
Người phát ngôn Nhà Trắng nói thêm rằng Mỹ chỉ có thể cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết để bảo vệ phòng không. “Thật không may, chúng tôi không thể làm được điều đó lúc này bởi vì chúng tôi không có nguồn tài trợ bổ sung cho ngân sách An ninh Quốc gia mà Ukraine đang rất cần,” ông nói.
Ngoại trưởng Anh David Cameron. Ảnh: India Today |
Cũng trong ngày 15/4, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã nhận được câu hỏi tương tự trong cuộc phỏng vấn với đài LBC News. “Thật ra, việc đặt lực lượng NATO trực tiếp xung đột với lực lượng Nga – tôi nghĩ rằng đó sẽ là một sự leo thang căng thẳng,” ông Cameron nói.
Nhà ngoại giao Anh gợi ý rằng, việc dùng các máy bay chiến đấu để đánh chặn UAV và tên lửa sẽ không hiệu quả trên chiến trường Ukraine. Thay vào đó, Ukraine cần được chuyển giao các hệ thống phòng không chuyên dụng, cụ thể là các tổ hợp Patriot.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anh khẳng định điều tốt nhất mà London và các nước khác có thể làm để hỗ trợ Kiev đó là tiếp tục hỗ trợ về tài chính, vũ khí, chứ không phải là trực tiếp tham chiến.
Ukraine chưa đưa ra bình luận về các tuyên bố trên.
Theo RT, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và phương Tây đã cam kết hỗ trợ Kiev chừng nào còn cần thiết trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, các nước này cũng nhiều lần từ chối ý tưởng giao chiến trực tiếp với lực lượng Nga.
Ngay cả Chính phủ Pháp - vốn không loại trừ khả năng triển khai quân tới chiến trường Ukraine, cũng nói rõ rằng bất kỳ sứ mệnh nào của quân đội nước này cũng sẽ là hỗ trợ các nhiệm vụ phi chiến đấu của binh sĩ Ukraine, để Kiev có thể gửi thêm quân của mình ra tiền tuyến.
Trong khi đó, Nga coi cuộc xung đột tại Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm do Washington dẫn đầu nhằm vào Moscow. Nga cảnh báo sẽ coi bất kỳ tài sản quân sự nào trực tiếp tham gia chiến sự là mục tiêu hợp pháp của quân đội.
Đầu tháng này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mối quan hệ giữa NATO và Nga đã xấu đi rất nhiều trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đang khiến liên minh này trở nên “đối đầu trực tiếp” với Moscow.