Nhận định triển vọng ngành thép năm 2023 và tác động đến Hoà Phát, Hoa Sen

HÒA PHÁT Hoa Sen
22:21 - 10/01/2023
Ngành thép vừa trải qua năm 2022 nhiều khó khăn. Ảnh: Hoà Phát
Ngành thép vừa trải qua năm 2022 nhiều khó khăn. Ảnh: Hoà Phát
0:00 / 0:00
0:00
SSI cho rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ nhu cầu tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép cập nhật ngày 10/1, Chứng khoán SSI cho rằng nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Nhu cầu yếu, giá bán ít biến động

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản.

Nhóm phân tích cho rằng nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng.

Mặt khác, giá thép có thể ít biến động hơn trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc ổn định. Sau khi giảm 2-4% trong năm 2022, nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi hoặc phục hồi nhẹ trong khoảng 1-2% trong năm 2023, điều này được thúc đẩy bởi việc nước này bắt đầu mở cửa trở lại trong những tháng đầu năm.

Trong khi đó, sản lượng thép của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới đã sụt giảm do các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 5/2022 ở mức 96,6 triệu tấn, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm dần xuống 74,5 triệu tấn vào tháng 11, gây ra sự cân bằng giữa cung và cầu.

Những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023, tuy nhiên ít có khả năng giá thép tăng mạnh vì việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến nguồn cung tăng. Ngoài ra, mức giá hiện tại đã cao hơn 20-40% so với mức trước Covid. Nhu cầu yếu ở Việt Nam cũng có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá lên mức tương đương với giá trong khu vực.

Nhận định triển vọng ngành thép năm 2023 và tác động đến Hoà Phát, Hoa Sen ảnh 1
Doanh thu bán hàng các sản phẩm thép trong nước.

Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022. Nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế.

Nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4-6% trong năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia và Philippines. Theo đó, SSI dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60-75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong năm tới.

Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.

SSI cho rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ nhu cầu tăng lên ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

HPG có thể có vị thế tốt nhất để hưởng lợi từ sự phục hồi

P/E dự phóng năm 2023 của ngành thép nằm trong khoảng 10-20x, cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 8-10x và thậm chí cao hơn cả mức định giá trong thời kỳ suy thoái là 10-13x.

Mặt khác, P/B của các cổ phiếu chủ chốt như HPG, HSG và NKG hiện nằm trong khoảng 0,6-1x, thấp hơn 20% so với mức trung bình lịch sử, nhưng vẫn cao hơn 20-30% so với mức định giá thấp trong các thị trường giảm giá trước đó (giai đoạn năm 2011 hoặc tháng 3 năm 2020).

SSI cho rằng P/B của các công ty thép sẽ khó phục hồi đáng kể trong ngắn hạn, do ROE có thể sẽ ở quanh mức thấp lịch sử trong năm 2023.

Diễn biến giá cổ phiếu của ngành thép trong năm 2022.
Diễn biến giá cổ phiếu của ngành thép trong năm 2022.

Đưa ra luận điểm đầu tư về cổ phiếu ngành này, SSI lựa chọn HPG của Tập đoàn Hoà Phát và HSG của Tập đoàn Hoa Sen.

Với HPG, SSI cho rằng đây là doanh nghiệp đầu ngành thép Việt Nam với lợi thế vượt trội về quy mô, chi phí sản xuất và vị thế tài chính. Thị phần có thể tăng trong dài hạn đi cùng với quá trình tái cơ cấu thị trường, khi các công ty nhỏ hơn và hoạt động kém hiệu quả có thể bị xóa sổ khỏi thị trường. HPG có thể có vị thế tốt nhất để hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường.

Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng thấp trong năm 2023 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của HPG. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể trở thành “con dao hai lưỡi” khi sức cầu yếu tại thị trường trong nước sẽ khiến HPG gặp khó trong việc tăng giá bán lên ngang tầm khu vực, đặc biệt là đối với thép xây dựng.

Còn HSG là công ty hàng đầu về tôn mạ tại Việt Nam, với thị phần đạt 29% trong 11 tháng đầu năm 2022. Dư nợ giảm 60% trong 4 năm qua do chi phí đầu tư thấp và dòng tiền hoạt động mạnh. Điều này đã giúp công ty giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức an toàn là 0,35 lần vào năm tài chính 2022, so với mức cao nhất là 2,3 lần vào năm tài chính 2018.

Theo SSI, lợi nhuận của Hoa Sen trong năm 2023 có thể phục hồi khoảng 35%, đạt 340 tỷ đồng do không còn hàng tồn kho chi phí cao và chi phí lãi vay giảm. Tăng trưởng lợi nhuận có thể phục hồi từ nửa cuối năm tài chính 2023.

Rủi ro với HSG là nhu cầu yếu kéo dài có thể dẫn đến sản lượng tiêu thụ và hiệu suất hoạt động thấp hơn dự kiến. Biến động giá có thể mang lại những thách thức cho việc quản lý hàng tồn kho.

Tin liên quan

Đọc tiếp