Cảng Cát Lái, TP. HCM - Ảnh: Quỳnh Trần |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 33% so với nửa đầu tháng 1/2022 và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 14% so với cùng kỳ tháng trước nhưng lại tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 12,6 tỷ USD.
Như vậy, nửa đầu tháng 2 năm nay, cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về nhập siêu, thặng dư đạt 3,9 tỷ USD. Lũy kế đến hết kỳ này, Việt Nam nhập khẩu 42,1 tỷ USD, và xuất khẩu hơn 39,5 tỷ USD, vẫn xuất siêu 2,6 tỷ USD.
Đa phần kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đều có sự sụt giảm so với nửa đầu tháng 1 và cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân của việc này một phần vì dịp Tết Nguyên đán rơi vào nửa đầu tháng 2, đây là thời điểm hầu hết các doanh nghiệp tạo điều kiện cho lao động được nghỉ phép hoặc giảm giờ làm, giảm nhân công để tạo điều kiện cho người lao động về quê đón Tết. Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu có phần chững lại so với kỳ trước.
Trong đó, 3 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất, đạt trên 1 tỷ USD vẫn là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 1,63 tỷ USD, giảm gần 7%, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện kim ngạch đạt 1,61 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước và mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với giá trị xuất khẩu là 1 tỷ USD, giảm 12%.
Mặt hàng thứ tư đạt được kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 2 năm 2021 nhưng lại sụt giảm mạnh trong cùng kỳ năm nay đó là hàng dệt may, chỉ đạt 685 triệu USD, giảm tới 39%. Kế đến, mặt hàng giày dép xuất khẩu dù có kim ngạch đạt 482,7 triệu USD, nhưng vẫn giảm 25% so với năm trước.
Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thế mạnh của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đạt 583,6 triệu USD. Trong đó, hàng thủy sản đạt 200,9 triệu USD, tăng nhẹ 3%. Sau kết quả xuất khẩu ấn tượng tháng 1, sang nửa đầu tháng 2, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả giảm sút rõ rệt, chỉ đạt 76,5 triệu USD, giảm tới 42% so với nửa đầu tháng 2/2021.
Mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là gạo cũng có sự sụt giảm nhẹ, chỉ đạt 68 triệu USD, giảm 6%. Trong khi kim ngạch xuất khẩu hạt điều giảm 38% so với năm trước, chỉ đạt 46 triệu USD thì mặt hàng cà phê lại có sự tăng trưởng tới 11%, đạt gần 111 triệu USD.
Đối với các mặt hàng nông thủy sản, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái một phần do các chính sách thắt chặt hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc – thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, khiến cho hoạt động xuất khẩu chững lại, khiến các cửa khẩu biên giới phía bắc bị ùn ứ nghiêm trọng, gây thiệt hại cho cả người nông dân và doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ở chiều nhập khẩu, mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với mức tăng vọt 37%, đạt hơn 3,3 tỷ USD. Kế đến là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (1,5 tỷ USD, tăng gần 19%) và hàng điện thoại các loại, linh kiện (828 triệu USD, tăng 36%).
Mức tăng này là do Việt Nam hiện đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến trở thành ngành thế mạnh, vì vậy nên nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc tân tiến từ các quốc gia phát triển là rất lớn.
Các mặt hàng nguyên liệu, sản phẩm nhập khẩu chính phục vụ hoạt động sản xuất của Việt Nam, cũng có mức tăng cao. Trong đó có thể kể đến ba loại nguyên liệu có kim ngạch nhập khẩu cao, đó là vải các loại (590,3 triệu USD, tăng tới 73%), chất dẻo nguyên liệu (509,6 triệu USD, tăng 72%), sắt thép các loại (502 triệu USD, tăng 62%) và các loại nguyên liệu khác như hóa chất (327,4 triệu USD, tăng 73%), kim loại thường khác (359,6 triệu USD, tăng 50%)…
Hoạt động sản xuất của Việt Nam đã dần hồi phục trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã rút bớt. Các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất được quay trở lại hoạt động và đang gấp rút quay trở lại guồng làm việc để kịp đáp ứng cho những đơn hàng giữa năm và cuối năm.