Nhật Bản dùng drone nghiên cứu lò phản ứng bị hư hại của nhà máy Fukushima

hạt nhân NHẬT BẢN
16:28 - 28/02/2024
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, đông bắc Nhật Bản. Ảnh: AP
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, đông bắc Nhật Bản. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 28/2, Công ty Điện lực Tokyo Holdings (TEPCO) sử dụng các máy bay không người lái kích thước nhỏ để nghiên cứu phía bên trong của một trong những lò phản ứng bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do trận động đất sóng thần 13 năm trước.

Hồi tháng 3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter cùng sóng thần tại Nhật Bản đã phá hủy hệ thống cung cấp điện và làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến 3 lò phản ứng tan chảy. Chính phủ Nhật Bản và TEPCO có kế hoạch loại bỏ lượng lớn nhiên liệu hạt nhân nóng chảy có tính phóng xạ gây chết người còn sót lại bên trong mỗi lò phản ứng - một quá trình khó khăn đã bị trì hoãn trong nhiều năm bởi các rào cản kỹ thuật cũng như thiếu dữ liệu.

TEPCO đã gửi một số tàu thăm dò – bao gồm robot và phương tiện dưới nước – vào bên trong mỗi lò phản ứng nhưng bị cản trở bởi các mảnh vụn, bức xạ cao và khó khăn trong việc điều hướng chúng qua đống đổ nát.

Nhằm giúp bổ sung vào các dữ liệu bị thiếu, TEPCO ngày 28/2 đã cử một đội gồm 4 máy bay không người lái (drone) bay vào trong khoang chứa của lò phản ứng số 1 bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với trọng lượng 185g, tính cơ động cao và cánh quạt hầu như không tạo ra bụi, các drone này là thiết bị lý tưởng để kiểm tra an toàn. Chúng có hình vuông, mỗi cạnh dài 18 cm, dày 5 cm và gắn một camera độ phân giải cao phía trước để gửi video trực tiếp và hình ảnh chất lượng cao hơn ra bên ngoài. Tuy nhiên do thời lượng pin, mỗi cuộc điều tra bằng drone bên trong lò phản ứng bị giới hạn trong 5 phút.

Đầu tiên, 2 máy bay không người lái sẽ kiểm tra khu vực xung quanh bên ngoài của trụ đỡ kết cấu chính trong khoang, được gọi là bệ, trước khi quyết định xem liệu 2 chiếc còn lại có thể được đưa vào bên trong khu vực mà các tàu thăm dò trước đó không thể tiếp cận hay không. Bệ nằm ngay dưới lõi lò phản ứng. Các quan chức hy vọng sẽ quay phim phần đáy của lõi để tìm hiểu xem nhiên liệu tan chảy đã nhỏ giọt ở đó như thế nào vào năm 2011.

Reuters trích dẫn thông báo của TEPCO cho biết họ có kế hoạch sử dụng các dữ liệu mới thu được để phát triển công nghệ cho các tàu thăm dò trong tương lai cũng như quy trình loại bỏ nhiên liệu tan chảy khỏi lò phản ứng trong những năm tới. Dữ liệu cũng sẽ được sử dụng để điều tra xem chính xác cuộc khủng hoảng năm 2011 đã xảy ra như thế nào.

Kể từ khi sự cố hạt nhân xảy ra tại nhà máy Fukushima, khoảng 880 tấn nhiên liệu hạt nhân tan chảy có tính phóng xạ cao vẫn còn bên trong 3 lò phản ứng bị hư hỏng. TEPCO đã thực hiện một số nỗ lực nhằm loại bỏ số nhiên liệu này. Mục tiêu trước mắt là loại bỏ một lượng nhỏ mảnh vụn tan chảy khỏi lò phản ứng số 2 ít bị hư hại nhất vào cuối tháng 3 này bằng cách sử dụng một cánh tay robot khổng lồ. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đã buộc phải trì hoãn do khó loại bỏ cặn bám cản đường vào. Việc trì hoãn càng nhấn mạnh sự khó khăn và không chắc chắn của quá trình này.

Trước đây, các nhà phê bình đã nhiều lần cho rằng mục tiêu dọn sạch số lượng lớn nhiên liệu nói trên trong 30 đến 40 năm của chính phủ và TEPCO đặt ra cho nhà máy Fukushima Daiichi là quá lạc quan. Nguyên nhân là do thiệt hại ở mỗi lò phản ứng là khác nhau và do đó cần phải lập kế hoạch để phù hợp với điều kiện riêng biệt của chúng.

Ở một diễn biến khác, TEPCO ngày 28/2 cũng bắt đầu thải lô nước thải phóng xạ đã qua xử lý và pha loãng từ nhà máy Fukushima ra biển. Chính phủ Nhật Bản và TEPCO, đơn vị điều hành nhà máy, tuyên bố nước thải này an toàn và toàn bộ quá trình đều được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế giám sát.

Tuy nhiên, việc xả nước thải vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các nhóm ngư dân và đặc biệt là từ chính phủ Trung Quốc. Nền kinh tế thứ 2 thế giới đã cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản sau động thái này.

Tin liên quan

Đọc tiếp