Nhật Bản: Hình ảnh bên trong lò phản ứng hạt nhân Fukushima gây lo ngại

hạt nhân NHẬT BẢN
15:48 - 05/04/2023
Hình ảnh mới nhất ngày 4/4 từ một trong 3 lò phản ứng bị nóng chảy tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản bị hư hại do trận động đất và sóng thần Sendai năm 2011 đang gây ra các lo ngại về vấn đề chống chịu thảm họa và an toàn.

Theo hãng tin AP, nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã liên tục đưa các máy thăm dò robot vào bên trong lò phản ứng số 1 kể từ năm 2022 đến nay. Những phát hiện được công bố ngày 4/4 vừa qua là kết quả của cuộc thăm dò mới nhất được tiến hành hồi cuối tháng 3.

Đây cũng là những hình ảnh đầu tiên về phía bên trong 3 lò phản ứng gặp trục trặc kể từ trận động đất và sóng thần làm tê liệt nhà máy này 12 năm trước.

Cụ thể, một phương tiện điều khiển từ xa dưới nước có tên ROV-A2 đã được đưa vào bên trong bệ của lò phản ứng 1 – một cấu trúc hỗ trợ nằm ở ngay dưới lõi. Khu vực bên trong bệ là nơi có khả năng cao có thể tìm thấy dấu vết của nhiên liệu nóng chảy.

Một đoạn video dài khoảng 5 phút — một phần của những hình ảnh dài 39 giờ do robot ghi lại — cho thấy lớp bê tông dày 120 cm bên ngoài của bệ đã bị hư hại đáng kể ở gần đáy, để lộ phần thép gia cố bên trong.

Đoạn video do robot quay cũng cho thấy thiết bị rơi xuống cùng các loại mảnh vụn khác, có thể là nhiên liệu hạt nhân rơi ra khỏi lõi, đông cứng lại và chất đống cao tới 40-50 cm tính từ đáy buồng. Các đống vật liệu tại lò phản ứng số 1 thấp hơn tại 2 lò phản ứng khác, cho thấy mỗi lò phản ứng có tốc độ tan chảy khác nhau.

Tổng hợp các dữ liệu thu thập từ các cuộc thăm dò và mô phỏng trước đó, các chuyên gia cho biết hầu hết nhiên liệu nóng chảy bên trong lò phản ứng 1 đã rơi xuống đáy của buồng chứa chính. Tuy nhiên, một số có khả năng rơi xuyên qua nền bê tông, khiến nhiệm vụ dọn dẹp vốn khó khăn có khả năng trở nên phức tạp hơn nữa.

Hình ảnh phía bên trong lò phản ứng 1 được Công ty Điện lực Tokyo công bố ngày 4/4. Ảnh: AP

Hình ảnh phía bên trong lò phản ứng 1 được Công ty Điện lực Tokyo công bố ngày 4/4. Ảnh: AP

Trả lời các phóng viên hôm 4/4, phát ngôn viên của TEPCO Keisuke Matsuo cho biết cấu trúc théo gia cố phần lớn vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, công ty đang có kế hoạch phân tích dữ liệu và hình ảnh một cách chi tiết hơn trong vài tháng tới để tìm hiểu xem liệu có thể cải thiện khả năng chống động đất của lò phản ứng hay không và bằng cách nào.

Ngoài ra, ông Matsuo cho biết với các dữ liệu thu thập được từ cuộc thăm dò này, các chuyên gia có thể đưa ra các phương pháp loại bỏ các mảnh vỡ và phân tích việc lõi lò phản ứng bị tan chảy vào năm 2011. Thêm vào đó, TEPCO cũng có kế hoạch sử dụng dữ liệu để tạo ra một bản đồ ba chiều về nhiên liệu nóng chảy và các chi tiết mảnh vỡ. Dự kiến, dự án này sẽ mất khoảng một năm.

Tuy nhiên, những hình ảnh về phần thép gia cố bị lộ ra vẫn khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của lò phản ứng trong trường hợp một thảm họa tiếp theo xảy ra. Tính tới hiện tại, vẫn còn khoảng 880 tấn nhiên liệu hạt nhân tan chảy có tính phóng xạ cao ở bên trong 3 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Dù các tàu thăm dò robot đã cung cấp một số thông tin, tình trạng của số nhiên liệu này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là khi số lượng nhiên liệu bị tan chảy tại nhà máy hạt nhân Fukushima ước tính gấp khoảng 10 lần số nhiên liệu bị hư hỏng đã được loại bỏ trong quá trình dọn dẹp nhà máy hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ sau vụ tan chảy một phần lõi năm 1979.

Nhận định về thông báo này, Thống đốc tỉnh Fukushima Masao Uchibori kêu gọi TEPCO “nhanh chóng đánh giá mức độ chống chịu động đất”, đồng thời cung cấp thông tin theo cách mà người dân địa phương có thể dễ dàng hiểu được và giảm bớt lo lắng cho người dân trên khắp đất nước.

Trước mắt, TEPCO cho biết thử nghiệm loại bỏ mảnh vụn nóng chảy dự kiến sẽ bắt đầu ở lò phản ứng 2 vào cuối năm nay sau gần 2 năm trì hoãn. Trong khi đó, việc loại bỏ nhiên liệu đã qua sử dụng khỏi bể làm mát của lò phản ứng số 1 sẽ bắt đầu vào năm 2027 sau 10 năm trì hoãn. Sau khi tất cả nhiên liệu đã qua sử dụng được loại bỏ khỏi các bể, trọng tâm năm 2031 sẽ chuyển sang việc loại bỏ các mảnh vụn tan chảy ra khỏi các lò phản ứng.

Những hình ảnh robot thăm dò cung cấp làm dấy lên lo ngại về khả năng chống chịu động đất của nhà máy này nếu một thảm họa nữa xảy ra. Ảnh: AP
Những hình ảnh robot thăm dò cung cấp làm dấy lên lo ngại về khả năng chống chịu động đất của nhà máy này nếu một thảm họa nữa xảy ra. Ảnh: AP

Đọc tiếp