Ảnh minh họa. |
Theo kế hoạch, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ xây dựng một hệ thống phát hiện thông tin sai lệch lan truyền trên các trang web và mạng xã hội (SNS) ngay sau khi phát tán, đồng thời dự đoán ý định của người gửi cũng như tác động của những thông tin này đối với người nhận.
Hệ thống cũng có thể được sử dụng để lưu giữ thông tin quan trọng về an ninh kinh tế, đánh giá nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm như chất bán dẫn và công nghệ liên quan đến quốc phòng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu kết nối trí tuệ nhân tạo tạo sinh với việc phân tích kịch bản các tình huống quốc tế thông qua sử dụng dữ liệu lớn (Big data) như thông tin vị trí vệ tinh và SNS.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đề xuất tăng ngân sách cho công tác phòng chống thông tin sai lệch trong ngân sách năm 2024. Khoản ngân sách 6,5 triệu USD, cao gần gấp 4 lần so với ngân sách ban đầu của 1,5 triệu USD để theo dõi và phân tích thông tin giả, thông tin sai lệch.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, thông tin độc hại như thông tin sai lệch về lãnh thổ của Nhật Bản hay tin đồn về nước thải đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, có thể ảnh hướng đến công tác ngoại giao.
Trong một tuyên bố ngày 20/12, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko cho biết, cạnh tranh giữa các quốc gia đang ngày càng gay gắt, không chỉ ở sức mạnh quân sự mà còn cả chiến tranh thông tin, bao gồm cả việc truyền bá thông tin sai lệch.
Theo Ngoại trưởng Kamikawa Yoko, Nhật Bản cần tăng cường khả năng thu thập và phân tích thông tin cũng như khả năng phổ biến thông tin ra thế giới bên ngoài.
Giới chuyên gia cho rằng, thông tin giả, thông tin sai lệch không phải đến bây giờ mới xuất hiện trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện công nghệ mới, phương thức truyền tin, nhất là mạng xã hội phát triển sâu rộng thì tin giả càng thêm đất sống.
Tin giả như một loại virus độc hại, nó xâm nhập, gây rối dư luận, gây rối lòng tin, thậm chí làm khủng hoảng niềm tin. Các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng điều này để xuyên tạc, kích động chống phá hòng gây mất ổn định của một quốc gia.
Đặc biệt, từ khi Covid-19 bùng phát, số lượng tin giả liên quan đến đại dịch này ngày càng gia tăng trên môi trường mạng.
TS. Yeung Yong Uhm, chuyên gia truyền thông Hàn Quốc cho biết trong hội thảo khoa học quốc tế về quản trị khủng hoảng thông tin, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tính minh bạch và thời điểm công bố thông tin. Thông tin trung thực và thông tin chính thống phải đến sớm, nhanh nhất có thể với người dân. Tiếc rằng, thực tế hiện nay tin giả đi được 2/3 trái đất thì tin thật mới chạy theo.
Vụ việc đặt ra câu hỏi thông tin sai lệch, giả mạo có thể được phát hiện nhanh đến mức nào trên Internet. Các công ty truyền thông xã hội chủ yếu sử dụng sức người để điều hành phần lớn việc truy vết và loại bỏ tin tức giả mạo. Nhưng hàng tỷ bài đăng mỗi ngày là khối lượng công việc quá lớn đối với người thường. Tự động hóa là cách tiếp cận khả thi hơn, đồng nghĩa phụ thuộc nhiều hơn vào trí tuệ nhân tạo.
Tại Anh, Logical là công ty tiên phong sử dụng trí tuệ nhân tạo để chống lại tin tức giả mạo. Giải pháp này giúp phân loại những nội dung được nhận định là tin giả hoặc tin sai lệch trước khi người dùng có thể đọc được.