Nhiều công ty xe điện Trung Quốc đổ bộ Đông Nam Á

XE ĐIỆN ĐÔNG NAM Á
15:49 - 14/08/2023
Xe điện Neta S của Hozon được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok lần thứ 44 hồi tháng 3/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã
Xe điện Neta S của Hozon được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok lần thứ 44 hồi tháng 3/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã
0:00 / 0:00
0:00
Đông Nam Á đang là điểm đến hàng đầu của nhiều công ty xe điện Trung Quốc có mong muốn địa phương hóa quy trình sản xuất, trong đó Hozon là một trong số các công ty công bố kế hoạch sản xuất các dòng xe Neta của mình tại Indonesia từ năm 2024.

Bắt đầu từ cuối tháng 7/2023, doanh nghiệp startup xe điện Trung Quốc Hozon đã công bố hợp tác với PT Handal Indonesia Motor, hướng tới mục tiêu lắp ráp ô tô nguyên chiếc từ quý 2/2024. Trước mắt, Hozon đang trưng bày 3 mẫu xe Neta của mình tại Triển lãm ô tô quốc tế Gaikindo Indonesia từ ngày 10 - 20/8.

Theo China Daily dẫn lời ông Wang Chengjie, trợ lý chủ tịch Neta Auto và Phó chủ tịch Neta quốc tế cho biết, công ty muốn giới thiệu các mẫu xe thông minh do Trung Quốc sản xuất tới Indonesia – thị trường lớn với dân số 200 triệu người. Ông nhận định: "Chúng tôi tin rằng Indonesia có tiềm năng lớn để ứng dụng ô tô điện làm phương tiện hỗ trợ các hoạt động di chuyển hàng ngày vì chúng đã được chứng minh là hiệu quả và thân thiện với môi trường".

Ngoài Indonesia, Hozon cũng đang có những động thái khám phá thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan thông qua việc mở bán một số mẫu xe. Đặc biệt tại Thái Lan, Hozon cũng là thương hiệu xe điện bán chạy nhất vào tháng 6/2023 khi chiếm 28,9% thị phần. Nhà sản xuất này đã khởi công xây dựng một nhà máy với công suất sản xuất hàng năm là 20.000 xe và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2024.

Cùng đồng thời nhắm tới xứ sở chùa vàng, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc và SAIC đã bắt đầu xây dựng một khu công nghiệp năng lượng mới vào đầu tháng 5 vừa qua nhằm tập trung vào nội địa hóa việc sản xuất các linh kiện cho các phương tiện năng lượng mới của công ty. Việc xây dựng giai đoạn 1 của KCN ước tính sẽ hoàn thành trong năm nay và hoàn thành toàn bộ vào năm 2025.

KCN năng lượng mới nằm ở tỉnh Chon Buri sẽ có diện tích 120.000 mét vuông và bao gồm các xưởng tiêu chuẩn, bãi container, kho hậu cần cũng như hệ thống thoát nước và bãi đậu xe. SAIC cho biết một số doanh nghiệp xe điện và linh kiện thượng nguồn từng thể hiện mong muốn phát triển tại khu công nghiệp này trong tương lai.

Lễ động thổ KCN năng lượng mới của SAIC tại Chon Buri, Thái Lan. Ảnh: China Daily

Lễ động thổ KCN năng lượng mới của SAIC tại Chon Buri, Thái Lan. Ảnh: China Daily

Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại thị trường Đông Nam Á. Công ty đang có kế hoạch sẽ sản xuất xe ở Thái Lan từ năm 2024 trong khi bán sản phẩm không chỉ tại thị trường địa phương mà còn các thị trường khác trong khu vực với công suất hàng năm tối đa 150.000 xe.

Nhận định với China Daily, ông Liu Xueliang, Tổng Giám đốc Bộ phận Bán hàng Ô tô BYD Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Thái Lan có nền tảng vững chắc trong ngành công nghiệp ô tô với năng lực sản xuất hạng nhất nên chúng tôi đã chọn xây dựng nhà máy ở đây sau khi cân nhắc kỹ lưỡng”.

Ngoài các nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất pin lithium Trung Quốc EVE Energy vào ngày 9/8 cũng vừa khởi công xây dựng cơ sở sản xuất tại Malaysia với khoản đầu tư ban đầu 422 triệu USD. Nhà máy này sẽ tập trung vào sản xuất pin lithium-ion hình trụ để hỗ trợ các công cụ điện và xe hai bánh chạy bằng điện được sản xuất trong nước và trên khắp Đông Nam Á.

China Daily trích dẫn ông Joe Chen - giám đốc của EVE Energy Malaysia - cho biết: “Đây là một cột mốc quan trọng để EVE mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện và tiếp tục tăng thị phần toàn cầu. Và quan trọng nhất là cơ hội để chúng tôi đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái năng lượng điện ở Malaysia".

Trong khi đó, phó giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia Lim Bee Vian nhận định khoản đầu tư trên đánh dấu một cột mốc quan trọng. Nó không chỉ giúp mang lại lợi ích cho EVE mà còn mở đường cho nhiều công ty khác đầu tư vào Malaysia, đặc biệt là vào ngành công nghiệp xe điện và hệ sinh thái của nó.

Bà chia sẻ: "Bằng cách cộng tác với các công ty đi đầu trong ngành như EVE, chúng tôi có thể thúc đẩy một môi trường đổi mới và tiến bộ công nghệ”.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.