Nhiều triển vọng hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong hậu Covid-19

VASEAN Mekong
16:07 - 23/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác giữa Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mekong sau đại dịch sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như công nghệ chế biến, du lịch, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp xanh.

Chiều 23/9, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) tổ chức Diễn đàn Mekong với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu Covid-19 khu vực Mekong”. Đây là hoạt động thường niên do Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN) tổ chức với sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS, TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN cho biết, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), là khu vực kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển, tài nguyên khoáng sản phong phú.

Với sông Mekong dài hơn 4.800km và vùng lưu vực rộng lớn, khu vực GMS có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Năm 1992 với sáng kiến và sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 6 nước đã tham gia Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng, nhằm thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển thế mạnh của vùng.

Trong hơn 2 năm Covid-19 hoành hành vừa qua, nhiều nước trong tiểu vùng GMS đã phải đóng cửa biên giới, sản xuất kinh doanh trì trệ. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là nông nghiệp, du lịch, thương mại. Tuy nhiên, hợp tác GMS vẫn đạt được những kết quả tích cực trong giai đoạn khó khăn này.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã đầu tư vào 4 nước Tiểu vùng Mekong gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan 549 dự án (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 8,53 tỷ USD, chiếm tới 87% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào các nước ASEAN. Trong số đó, có 237 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, 197 dự án vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 3,2 tỷ USD, 109 dự án vào Myanmar với vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD, 16 dự án vào Thái Lan với vốn đăng ký 29 triệu USD.

Đầu tư của Việt Nam vào các nước Tiểu vùng Mekong tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực khai khoáng, nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, bất động sản, bán buôn và bán lẻ...

Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9/2022, 4 nước Tiểu vùng Mekong đã đầu tư vào Việt Nam 707 dự án với tổng đầu tư 13,23 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 668 dự án có tổng vốn đăng ký 13,1 tỷ USD.

Đầu tư của các nước Tiểu vùng Mekong vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí, nước, kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ, nông lâm nghiệp và thủy sản dịch vụ lưu trú và ăn uống...

“Nhìn chung, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước Tiểu vùng Mekong với nhau vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng”, ông Bùi Tất Thắng đánh giá.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo đã đưa ra tầm nhìn 2030 về một GMS thịnh vượng, phát triển bền vững. Từ cam kết này của các nước, PGS.TS Bùi Tất Thắng khẳng định, Việt Nam và các nước tiểu vùng sông Mekong vẫn còn nhiều triển vọng hợp tác phát triển kinh tế hậu Covid -19.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN, các lĩnh vực trọng tâm hợp tác thời gian tới trong khu vực GMS sẽ tập trung vào công nghệ chế biến, du lịch, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

“Diễn đàn lần này sẽ thu thập những giải pháp để gợi mở chính sách về một GMS hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đồng thời, Diễn đàn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đối thoại về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng”.

PGS, TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch Hội VASEAN

Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong, các diễn giả, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã có buổi tọa đàm về các chủ đề như hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, chính sách mới, môi trường đầu tư, trao đổi văn hóa, phát triển du lịch, kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Hội VASEAN cũng tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, có uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn.

Doanh nghiệp trưng bày triển lãm và giao lưu tại diễn đàn. Ảnh: Quách Sơn.

Doanh nghiệp trưng bày triển lãm và giao lưu tại diễn đàn. Ảnh: Quách Sơn.

Chương trình Diễn đàn Mekong lần thứ X có sự tham dự của đại diện Uỷ ban sông Mekong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, các Hiệp hội và các doanh nghiệp. Chủ trì diễn đàn là PGS, TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN.

Nội dung Diễn đàn bao gồm các báo cáo chuyên đề của các chuyên gia về triển vọng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong hậu Covid -19. Các khuyến nghị chính sách và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp