Nhìn lại những thảm kịch hàng không liên quan đến các 'yếu nhân'

Hàng KHông THẾ GIỚI
11:20 - 22/05/2024
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski năm 2010. Ảnh: AFP
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski năm 2010. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00

Trong lịch sử, không ít các nhà lãnh đạo và nhân vật chính trị nổi tiếng trên thế giới đã bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không, gây ra nhiều xáo trộn và thậm chí có những lúc khiến một quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn. 

Cựu Tổng thống Chile Sebastian Pinera

Ngày 6/2/2024, cố Tổng thống Chile Sebastian Pinera, 74 tuổi, đã thiệt mạng sau khi chiếc trực thăng chở ông rơi xuống hồ Lago Ranco ở miền nam Chile. Theo Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Alberto Espina, ông Pinera là một phi công trực thăng giàu kinh nghiệm và là người lái chiếc máy bay Robinson R44 chở theo 3 người khác. Trong số 4 người trên trực thăng vào thời điểm đó, 3 người còn lại sống sót sau vụ va chạm.

Vụ tai nạn xảy ra ngay sau khi trực thăng cất cánh ở khu vực mà ông Pinera biết rõ. Cựu Tổng thống có một dinh thự mùa hè ở gần đó, nơi ông thường lui tới để chơi các môn thể thao mạo hiểm.

Sau khi tin tức này được công bố, Tổng thống đương nhiệm Chile Gabriel Boric tuyên bố 3 ngày quốc tang và lễ tang cấp Nhà nước cho cựu Tổng thống Pinera.

Ông Sebastian Pinera vốn là một chuyên gia kinh tế được đào tạo tại Harvard và một tỷ phú doanh nhân. Ông đảm nhận 2 nhiệm kỳ Tổng thống Chile từ năm 2010-2014 và từ năm 2018- 2022, ghi đậm dấu ấn nhờ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski

Ngày 10/4/2010, một chiếc chuyên cơ TU-154M đang chở cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński cùng Đệ nhất phu nhân Maria Kaczyńska cất cánh từ Warsaw đến Smolensk, Nga thì gặp tai nạn. Vào thời điểm xảy ra vụ việc có 96 người trên khoang và tất cả đều đã thiệt mạng.

Theo các hãng thông tấn Ba Lan, máy bay được cho là đã cố gắng hạ cánh 3 lần trước khi rơi trong lần hạ cánh thứ 3. Một trong những cánh của máy bay đã va chạm với cây khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Smolensk của Nga. Có báo cáo từ phía Ba Lan cho rằng sân bay Smolensk đã khuyên máy bay không nên hạ cánh nhưng phi công vẫn cố đáp xuống.

Những người trên máy bay TU-154M đang hướng đến Katyn để tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của các vụ hành quyết hàng loạt ở Rừng Katyn, Mednoye, Kharkiv, Bykivnia và Kuropaty vào mùa xuân năm 1940, trong Thế chiến II.

Tham gia đoàn quan khách xấu số của Ba Lan tới dự lễ tưởng niệm còn có Phó chủ tịch Hạ viện và Thượng viện, một số nghị sĩ, chỉ huy hàng đầu của Lực lượng vũ trang Ba Lan, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống, ứng cử viên Tổng thống Ba Lan năm 2010, quan chức của các cơ quan Nhà nước, đại diện các bộ, các cựu chiến binh và đại diện các tổ chức xã hội nước này.

Tổng thống Macedonia Boris Trajkovski

Ông Trajkovski qua đời vào ngày 26/2/2004 trong vụ tai nạn máy bay trên đường tới một hội nghị kinh tế ở Mostar, Bosnia và Herzegovina. Máy bay bị rơi trong điều kiện sương mù dày đặc và mưa lớn trên sườn núi ở phía đông nam Herzegovina, gần các làng Poplat và Vrsnik, cách Mostar 15 km về phía nam-đông nam. Vụ tai nạn này khiến ông trở thành Tổng thống đầu tiên của Macedonia qua đời khi đương chức.

Vào thời điểm chiếc máy bay va chạm và vỡ thành 3 mảnh, 8 người khác bao gồm 2 phi công và 6 hành khách cũng có mặt trên máy bay nhưng không ai sống sót. Theo các hãng tin địa phương, máy bay đã rơi xuống khu vực bị rải mìn nặng nề trong Chiến tranh Bosnia những năm 1990, do đó gây ra cản trở đáng kể đối với các nỗ lực cứu hộ.

Tới năm 2014, cuộc điều tra thứ hai của Macedonia về vụ tai nạn đã đưa ra kết luận rằng phi công là người đã mắc lỗi trong vụ việc. Ông Omer Kulic, trưởng nhóm điều tra cho biết các nhà điều tra đã phát hiện ra 7 lỗi của các phi công, bao gồm cả việc không hỏi về điều kiện thời tiết, giảm độ cao xuống dưới 600m và tắt chế độ lái tự động.

Người dân tưởng nhớ cố Tổng thống Macedonia Boris Trajkovski, ở Skopje, ngày 5/3/2004. Ảnh: OSCE

Người dân tưởng nhớ cố Tổng thống Macedonia Boris Trajkovski, ở Skopje, ngày 5/3/2004. Ảnh: OSCE

Tổng thống Rwanda và Burundi

Tối ngày 6/4/1994, chiếc máy bay chở Tổng thống Rwanda Juvénal Habyarimana và Tổng thống Burundi Cyprien Ntaryamira đã bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không khi đang chuẩn bị hạ cánh ở Kigali, Rwanda. Toàn bộ 12 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Năm 2006, một cuộc điều tra kéo dài 8 năm của thẩm phán người Pháp Jean-Louis Bruguière kết luận rằng Tổng thống đương nhiệm Rwanda vào thời điểm đó là ông Paul Kagame đã ra lệnh ám sát. Một cuộc điều tra của chính phủ Rwanda, được công khai vào năm 2010, lại cho rằng những kẻ cực đoan Hutu trong quân đội Rwanda là bên tiến hành vụ tấn công.

Tháng 10/2016, Pháp mở lại cuộc điều tra vụ bắn hạ máy bay của tổng thống Rwanda. Tuy nhiên, vào tháng 12/2018, thẩm phán Herbaut và Poux đã từ bỏ cuộc điều tra vì thiếu bằng chứng đầy đủ. Vào ngày 3/7/2020, phòng điều tra của Tòa phúc thẩm Paris giữ nguyên phán quyết ngày 21/12/2018, bác bỏ vụ án liên quan đến vụ tấn công tên lửa nhằm vào máy bay của Tổng thống Rwanda vì thiếu bằng chứng. Quyết định này đánh dấu sự kết thúc tạm thời của các vụ truy tố pháp lý kéo dài 22 năm.

Tổng thống Pakistan Zia-ul-Haq

Ngày 17/8/1988, Tổng thống Pakistan Muhammad Zia-ul Haq thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay cùng với Đại sứ Mỹ và một số quan chức quân sự hàng đầu của Pakistan. Máy bay C-130 chở theo các quan chức này đã phát nổ vài phút sau khi cất cánh từ căn cứ không quân ở thành phố Bahawalpur của Pakistan.

Chính quyền Pakistan và Mỹ đã công bố vụ việc này một vụ tai nạn, tuy nhiên vẫn có nhiều lời đồn đoán về nguyên nhân thực sự của vụ nổ máy bay được lan truyền.

Tới năm 2020 trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Anadolu, ông Muhammad Ijazulhaq, cựu Bộ trưởng liên bang Pakistan và là con trai của cố Tổng thống Ziaulhaq tuyên bố rằng ông đã thu thập bằng chứng kết luận rằng máy bay rơi do khí độc thần kinh được phun vào buồng lái khiến phi công bị thương. Ông cũng xác nhận có chất nổ cũng như việc một viên đạn đã bắn trúng máy bay.

Ông cho rằng vai trò của cựu Tư lệnh quân đội Mirza Aslam Beg, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia - Tướng Mahmood Ali Durrani, gây ra sự nghi ngờ. Ông cũng cho rằng các cơ quan tình báo của Ấn Độ và Israel có liên quan đến vụ sát hại cha của ông, tuy nhiên các cáo buộc này đều không thể chứng minh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cảnh sát tuần tra bên ngoài trung tâm báo chí, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thành phố Bari, Italy, ngày 12/6/2024. Ảnh; Reuters

Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Italy

Từ 13 – 15/6/2024, Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại miền nam Italy trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của nhóm này mong muốn thể hiện sự đoàn kết trước các vấn đề kinh tế, chính trị quan trọng cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.