Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: NHNN |
Thông tin tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
"Tháng 2/2023 Ngân hàng Nhà nước đã giao room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Tuy nhiên, đến ngày 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36%. Có thể thấy, hạn mức không thiếu, huy động vốn cũng không thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng", ông Tú chia sẻ.
Lý giải về lý do tín dụng tăng trưởng chậm, Phó Thống đốc thông tin, khả năng hấp thụ vốn yếu, bởi nhiều nguyên nhân từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới.
Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, đặc biệt, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Theo lãnh đạo NHNN, những điều này đã tác động đến khó khăn của điều hành chính sách tiền tệ.
Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%. Do đó, cùng với thanh khoản dồi dào và mức tăng trưởng tín dụng mới chỉ 3,36% thì khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế vẫn luôn sẵn sàng.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Toàn cảnh họp báo tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Thu Trang |
Liên quan đến điều hành lãi suất, trước đó, ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 4. Đây là những biện pháp cụ thể, trực tiếp để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay. Lãnh đạo NHNN cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi để có giải pháp phù hợp.
Theo ông Đào Minh Tú, với nguyên tắc tôn trọng thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại từng bước giảm lãi suất cả hai chiều huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, trong vài ngày tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để chia sẻ thêm về việc cắt giảm nguồn lợi nhuận và chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay, hướng về doanh nghiệp.
Đến nay, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
Về điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.