Nhựa Bình Minh hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm. |
CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với kết quả kinh doanh không làm nhà đầu tư thất vọng.
Trong quý 2/2023, Nhựa Bình Minh mang về doanh thu thuần 1.336 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận ròng lại cao gấp đôi cùng kỳ, đạt 295 tỷ đồng. Đây là mức kỷ lục mới về lợi nhuận quý của BMP, sau khi thành công ty con của The Nawaplastic Industries, thành viên Tập đoàn SCG (Thái Lan),vào đầu năm 2018.
Phía sau sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận ròng của Nhựa Bình Minh chính là biên lợi nhuận gộp, được cải thiện từ mức 25% trong quý 2/2022 lên 43%. Tức là nếu cùng kỳ, 100 đồng doanh thu mang về 25 đồng lãi gộp cho công ty thì quý 2/2023, con số này lên tới 43 đồng.
Biên lợi nhuận của BMP cải thiện là do giá PVC - nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhựa đã tiếp tục điều chỉnh về mức thấp nhất nhiều năm, trong khi giá bán thường được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn trong nước.
Ngoài ra, mức tăng mạnh của doanh thu tài chính cũng góp phần vào kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp khi ghi nhận 34 tỷ đồng, tăng 183%.
Chi phí bán hàng tăng nhưng chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp đều giảm.
Lũy kế 6 tháng, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu 2.797 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái. Cũng nhờ giá vốn giảm, doanh nghiệp đầu ngành nhựa báo lãi ròng 575 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 88% kế hoạch lãi sau thuế sau 6 tháng.
Bảng cân đối kế toán cũng thể hiện tình hình tài chính lành mạnh của Nhựa Bình Minh. Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của công ty đạt 3.526 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm gần 60% tài sản, tương đương 2.052 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 449 tỷ đồng, giảm 22%.
Tổng nợ phải trả ở mức 770 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 750 tỷ đồng, gần gấp đôi hồi đầu năm. Trong đó, phần tăng chủ yếu đến từ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người bán ngắn hạn. Nợ vay và thuê tài chính rất thấp, ở mức 55 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh tăng trần lên mức 101.600 đồng/cp. Giai đoạn đầu năm 2022 đến đầu năm 2023, giá cổ phiếu này không có nhiều biến động và giao dịch quanh mức 50.000 - 60.000 đồng/cp. Tuy nhiên kể từ cuối tháng 3 đến nay, thị giá BMP bật tăng mạnh và tính đến nay đã gấp đôi.
Vốn hoá thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 3.560 tỷ đồng, lên mức hơn 8.300 tỷ đồng. Con số này đưa Nhựa Bình Minh tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp giá trị nhất ngành nhựa trên sàn chứng khoán. Mức giá trên cũng thiết lập đỉnh mới của cổ phiếu BMP kể từ khi có sự hiện diện của các cổ đông Thái Lan ở doanh nghiệp này.
The Nawaplastic Industries trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó. Sau đó, công ty này liên tục tăng sở hữu tại Nhựa Bình Minh, lớn nhất là đợt “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018.
Ước tính, The Nawaplastic Industries đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay. Như vậy, sau hơn 11 năm đầu tư vào Nhựa Bình Minh, cổ đông Thái Lan tạm lãi đến hơn 1.800 tỷ đồng, chưa kể cổ tức. Riêng năm 2022, sau khi báo lãi kỷ lục, Nhựa Bình Minh đã chi gần 700 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền theo tỷ lệ 84%.