Tăng mức hưởng trợ cấp người có công với cách mạng
Có hiệu lực từ ngày 5/9, Nghị định số 55/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng lên 2.055.000 đồng, so với mức cũ là 1.624.000 đồng. Như vậy, mức chuẩn trợ cấp người có công mới đã tăng lên hơn 26%.
Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định Nghị định số 55/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.
Ảnh minh họa. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng lên 2.055.000 đồng, so với mức cũ là 1.624.000 đồng. |
Điều chỉnh mức trợ cấp với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc
Thông tư 11/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng cho cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2023, tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu: Trợ cấp hằng tháng = Mức trợ cấp hưởng tháng 6/2023 x 1,125.
Sau khi điều chỉnh, nếu mức trợ cấp thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng/người; tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Các đối tượng cụ thể được điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng làm tròn số gồm: nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 3 triệu đồng/tháng/người.
Các chức danh còn lại: 2,817 triệu đồng/tháng/người.
Người có chức vụ thuộc Bộ Xây dựng không được lập doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực sau nghỉ hưu
Thông tư 05/2023 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/9, quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, các lĩnh vực gồm: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; Hoạt động đầu tư xây dựng; Phát triển đô thị; Hạ tầng kỹ thuật; Nhà ở, công sở và thị trường bất động sản; Vật liệu xây dựng; Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng; Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Chương trình, dự án, đề án thuộc các lĩnh vực được quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Thông tư trên.
Về thời hạn, thông tư nêu rõ, trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi chức vụ, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các lĩnh trên không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Cũng theo thông tư, trong thời hạn đủ 12 tháng kể từ ngày thôi chức, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng; quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ… không được thành lập doanh nghiệp và giữ chức danh quản lý, điều hành.
Bổ sung các nhu cầu vốn không được cho vay
Cũng có hiệu lực trong tháng 9, Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thông tư nêu rõ, tổ chức tín dụng sẽ không được cho vay đối với các nhu cầu vốn gồm vay để đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư; vay để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm; vay để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
Ngoài ra, mua vàng miếng hoặc vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay (trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật cũng không thể tiếp cận vốn từ ngân hàng)... cũng sẽ không được vay vốn.
NHNN cũng đưa thêm các quy định mới như: cấm các tổ chức tín dụng không được cho vay vốn để gửi tiền, vay vốn để thanh toán tiền mua, góp vốn của công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên Upcom cũng sẽ không được vay vốn tại các tổ chức tín dụng...
Theo NHNN, việc thay đổi này nhằm góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.