Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong kỳ nửa cuối tháng 9/2023 (15/9 - 30/9) kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 30,84 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 1,76 tỷ USD trong nửa cuối tháng 9.
Xuất khẩu hàng hóa nửa cuối tháng 9/2023 đạt 16,3 tỷ USD, giảm 5,6% YoY. Việt Nam có 21 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương về kim ngạch. Ngược lại có 24 mặt hàng có trị giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu 14,54 tỷ USD hàng hóa trong nửa cuối tháng 9/2023, giảm 0,4% YoY. Có 19 mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng dương và 34 mặt hàng tăng trưởng âm về trị giá nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam có tháng thứ 2 trong năm 2023 tăng trưởng dương về kim ngạch thương mại
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2023 của Việt Nam đạt 59,16 tỷ USD, tăng 1,2%, so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ 2 trong năm 2023 Việt Nam có kết quả kim ngạch thương mại cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (trước đó là tháng Hai năm 2023).
Cán cân thương mại trong tháng 9 ghi nhận xuất siêu 2,2 tỷ USD.
Về xuất khẩu, sau khi tăng trưởng 11,5% trong tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 2% YoY trong tháng 9/2023 với trị giá hàng hóa đạt 30,6 tỷ USD.
Trong tháng, Việt Nam có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên tỷ USD với tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng này là 20,8 tỷ USD, chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao nhất với 5,4 tỷ USD, tăng 5,4% YoY. Đứng sau là điện thoại và linh kiện với 5,03 tỷ USD, tăng 0,7% YoY. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng lại giảm 3,1%, còn 4,06 tỷ USD. Phương tiện vận tải tăng 25,5% YoY, đạt 1,21, tỷ USD.
Trong nhóm may mặc, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,56 tỷ USD, giảm 6,2% YoY. Giày dép đạt 1,33 tỷ USD, giảm 25,5% YoY. Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu mặt hàng này cũng đạt 1,13 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm nông, thủy sản, xuất khẩu hàng rau quả và gạo tiếp tục đà tăng trưởng tốt với lần lượt +167% YoY và +37,8% YoY, đạt 667 triệu USD và 377 triệu USD. Cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng 31,8% YoY, đạt 310 triệu USD; sắn và sản phẩm sắn +40,3% YoY, đạt 122 triệu USD và hạt tiêu +19%, đạt 67 triệu USD.
Xuất khẩu gạo đang có đà tăng trưởng tích cực trong tháng 9/2023. Ảnh: Mekong ASEAN |
Ngược lại, hàng thủy sản lại ghi nhận giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, còn đạt 814 triệu USD. Cà phê cũng giảm 28%, còn 168 triệu USD; chè giảm 10,8%, còn 18,9 triệu USD.
Về tăng trưởng, tháng 9/2023, Việt Nam có 25 mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Quặng và khoáng sản là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất với +273% YoY.
Có 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong tháng 9/2023. Phân bón là mặt hàng có mức giảm sâu nhất với -55% YoY.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 9/2023 đạt 28,4 tỷ USD, tăng 0,3% YoY, là tháng đầu tiên trong năm 2023 ghi nhận kim ngạch nhập khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (tính đến hết tháng 9/2023).
Trong tháng 9/2023, có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch 13,27 tỷ USD, chiếm 46% tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,5 tỷ USD, tăng 28% YoY, là mặt hàng duy nhất có kim ngạch nhập khẩu đạt trị giá trên 5 tỷ USD trong tháng.
Đứng sau là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng với 3,58 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng vải các loại đạt 1,09 tỷ USD, giảm 2,6% YoY.
Trong nhóm nông, thủy sản, mặt hàng ngô có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với 318 triệu USD. Kế đến là hạt điều với 251 triệu USD, thủy sản với 208 triệu USD, rau quả với 174 triệu USD, dầu mỡ động thực vật với 148 triệu USD. Việt Nam còn nhập khẩu đậu tương với 58 triệu USD, lúa mì với 69 triệu USD và sữa, sản phẩm sữa với 65 triệu USD.
Về tăng trưởng, có 25 mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Hạt điều là mặt hàng có mức tăng cao nhất với +61% YoY.
Ngược lại, có 28 mặt hàng nhập khẩu có trị giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Dầu thô là mặt hàng có mức giảm lớn nhất với -66% YoY.