Phát biểu tại cuộc gặp mặt đầu xuân giữa Thường trực Chính phủ và các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu, diễn ra sáng 3/3, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc, chia sẻ, năm vừa qua ngành nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế với điểm sáng là ngành lúa gạo, với kết quả xuất khẩu cả năm đạt 8,1 triệu tấn, kim ngạch 4,67 tỷ USD, giá bình quân đạt 575 USD/1 tấn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Bước vào năm 2024, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa dự kiến vẫn đạt 43 triệu tấn. Sau khi dành cho tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực thì lượng dành cho xuất khẩu mục tiêu là 7,5 - 8 triệu tấn gạo.
Hiện nay là tháng 3/2024, vào chính vụ Đông Xuân, đây là vụ lớn nhất trong năm với số lượng thu hoạch khoảng 6 triệu tấn gạo, trong đó 3 triệu tấn dành cho xuất khẩu.
Giá lúa xuống do chính vụ thu hoạch, nhưng vẫn cao hơn so với các vụ trước
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, từ khoảng giữa tháng 1 tới nay, giá lúa đã giảm khoảng 30%, khiến các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống.
Mức giảm tuy lớn, nhưng thực tế là do mức nền giá cao của quý 3, quý 4/2023 do sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ. Hiện giá lúa đã giảm từ trên 9.000 đồng/kg xuống 7.300 - 7.800/kg, tuy nhiên vẫn cao hơn mức giá của vụ Đông Xuân năm 2023 và cả mức giá của các vụ trước. Theo bà Thanh Tâm, tính theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg, thì ở mức giá này, người dân vẫn có lãi khoảng 60%, cao hơn mức 30% mà Chính phủ đặt mục tiêu.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Ảnh: VGP |
Theo chia sẻ của bà Thanh Tâm, hiện nay, người nông dân đã có một vụ mùa vừa được mùa, vừa được giá. Đây là thành công rất lớn và đây cũng là cả một quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chỉ đạo sát sao của Chính phủ.
Ngoài ra, việc giá gạo giảm là do yếu tố thị trường, nghĩa là hiện nay đang là thời điểm thu hoạch chính vụ, tất cả các địa phương đều thu hoạch vào cùng thời điểm. Điều này đã làm nảy sinh tình trạng ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa.
Cùng với đó, hiện các quốc gia trồng lúa như Thái Lan, Philippine, Indonesia cũng đến mùa thu hoạch vào tháng 3 - 5 và một số nước tiêu thụ gạo như các nước châu Phi và Philippines cũng đang tồn nhiều gạo nên sẽ ưu tiên tiêu thụ trong nước trước khi nhập khẩu thêm.
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, bà Thanh tâm cho biết, vừa qua, Tổng công ty Lương thực có chào hàng một số nhà nhập khẩu nhưng họ nói "sẽ nghiên cứu thêm và có thể trao đổi sau".
Ngoài ra, cuối tháng 2, Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn. Cho đến nay, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn.
Tuy nhiên, tin vui là tháng 1 vừa qua, các nhà xuất khẩu của Việt Nam đã tham gia và trúng thầu cung cấp khoảng 300.000 tấn trên tổng số 500.000 tấn gạo của đợt mời thầu (chiếm 60% gói thầu), với mức giá trúng thầu thấp nhất khoảng 650 USD/tấn, bao gồm cả phí vận chuyển.
Thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã dự báo là năm 2024 là năm tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo và các nhà nhập khẩu hiện nay vẫn tiếp tục có kế hoạch triển khai.
Mong muốn có sự hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Còn về việc tiêu thụ, bà Thanh tâm cho biết, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam đều thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn và vẫn liên tục thu mua gạo, đến nay, Tổng công ty đã mua được khoảng nửa triệu tấn gạo và sẽ tiếp tục thu mua trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện các kho của công ty tư nhân cũng đang triển khai mua lúa gạo.
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Ảnh VGP |
Trong thời gian, để tăng cường sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu Tổng công ty đề xuất với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ gạo hàng năm vì các doanh nghiệp cần có hợp đồng để triển khai và đặc biệt là bảo đảm chất lượng trong kho.
Năm nay, tình hình có nhiều khó khăn nên Tổng công ty cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp chế biến.
Về đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, đây là đề án có ý nghĩa rất lớn đối với trong và ngoài nước, Tổng công ty đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành và các tỉnh triển khai đề án, có tổng kết chương trình cánh đồng mẫu lớn trước đây. Khi tổ chức hội nghị, đề nghị các bộ, ngành mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia.