Theo báo cáo kinh tế & xã hội của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 6/11, vụ mùa năm 2024, cả nước gieo cấy được 1,54 triệu ha, giảm 1% so với vụ năm trước
Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước thu hoạch được 1,19 triệu ha lúa mùa, giảm 28.300 ha so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 làm nhiều diện tích lúa gần đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại, trong đó có khoảng 75.000 ha bị mất trắng.
Đến nay, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch 731.100 ha lúa mùa, chiếm 73,3% diện tích gieo cấy và bằng 97,6% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía Nam thu hoạch được 467.700 ha, chiếm 86% và bằng 97,8%.
Dự báo kết quả sản xuất vụ mùa năm nay thấp so với vụ mùa năm trước do bị ảnh hưởng của bão lũ và ngập úng.
Vụ hè thu năm nay, cả nước gieo cấy được 1,9 triệu ha, giảm 3.500 ha so với vụ hè thu năm 2023, chủ yếu do chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp, chuyển sang trồng cây rau, màu, cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa hè thu đạt 58,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước; sản lượng đạt 11,1 triệu tấn, tăng 77.600 tấn.
Tính đến ngày 20/10/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ được 710.700 ha lúa thu đông, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tăng diện tích gieo sạ nhờ thời tiết thuận lợi, giá lúa ổn định người dân tranh thủ xuống giống. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch 334.300 ha, chiếm 47% diện tích gieo cấy, trong đó tập trung ở Cần Thơ với 66.000 ha; Đồng Tháp 86.000 ha; Kiên Giang 78.000 ha.
Ảnh: HTX Vân Hội Xanh |
Về cây hàng năm, do thời tiết trong tháng thuận lợi, các địa phương phía Bắc tranh thủ gieo trồng rau màu vụ đông nên tiến độ gieo trồng một số cây vụ đông năm nay nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước như ngô tăng 7,7%, đạt 53.000 ha; lạc tăng 5,5%, đạt 3.500 ha; rau đậu tăng 7,5%, đạt 77.000 ha...
Về chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hiện tại, người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới.
Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ trong nước, theo GSO, các bên cần thực hiện quyết liệt đồng thời nhiều biện pháp, chính sách phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vaccine; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.
Tính đến ngày 28/10/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Nghệ An. Dịch lở mồm long móng còn ở Bắc Kạn; dịch viêm da nổi cục còn ở Cao Bằng, Nghệ An, Đăk Lăk và dịch tả lợn châu Phi còn ở 28 địa phương chưa qua 21 ngày.
Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 10/2024 ước đạt 870.700 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 10 ước đạt 303.000 tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 282.300 tấn, giảm 0,5% so với kỳ trước.
Sản lượng nuôi trồng tăng 4,3% so với tháng 10/2023, ước đạt 567.700 tấn. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 180.700 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Cá tra xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị, giá cá tra nguyên liệu tăng nên hộ nuôi và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để đáp ứng hoạt động chế biến và xuất khẩu.
Sản lượng tôm cũng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tăng nên người nuôi đã đẩy mạnh thu hoạch. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 97.500 tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 24.500 tấn, tăng 6,5%.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 7,88 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, cá đạt 5,52 triệu tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 1,22 triệu tấn, tăng 4,6%; thủy sản khác đạt 1,13 triệu tấn, tăng 1%.
Về lâm nghiêp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 10/2024 ước đạt 33.100 ha, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng cũng tăng 4,2% so với cùng kỳ, đạt 7,9 triệu cây.
Sản lượng gỗ khai thác đạt 2,42 triệu m3, tăng 14,7% so với tháng 10/2023 do nhu cầu gỗ nguyên liệu tại các nhà máy chế biến tăng, giá gỗ ổn định nên người dân tích cực khai thác diện tích rừng đến tuổi thu hoạch. Ngoài ra, ở một số địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3, nhiều diện tích rừng bị đổ gãy, sạt lở phải khai thác tận thu nên sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh, như Quảng Ninh tăng 170%; Yên Bái tăng 78,7%; Lạng Sơn tăng 32%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 233.000 ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 80,3 triệu cây, tăng 4,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,48 triệu m3, tăng 7,9%.
Diện tích rừng bị thiệt hại tháng 10/2024 là 43,1 ha, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, cả nước có 1.506,3 ha rừng bị thiệt hại, giảm 9,4% so với cùng kỳ.
Tiềm năng ứng dụng bèo hoa dâu trong kinh tế nông nghiệp Bèo hoa dâu được đánh giá là có tiềm năng như là một loại tài nguyên linh hoạt với các ứng dụng rộng rãi từ nông nghiệp đến dược phẩm và quản lý môi trường. |