Nông nghiệp là điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ba Lan

Nông nghiệp là điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ba Lan

Hợp Tác Ba Lan
18:30 - 29/01/2023

Ba Lan là thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu, đồng thời là một trong những đối tác thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam trong khối EU. Đến nay, hợp tác trong nông nghiệp là một điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam - Ba Lan với nhiều tiềm năng về xuất khẩu, chuyển giao công nghệ.

Trong không khí đầu Xuân năm mới, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam Alexander Nowakowski chia sẻ với Mekong ASEAN, Việt Nam - Ba Lan đã có bề dày hợp tác hơn 70 năm với sự phát triển mạnh mẽ về cả kinh tế, thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa… Những thành tựu trong quá khứ chính là nền tảng để xây dựng tương lai hợp tác của hai nước.

Hai nước vẫn duy trì việc trao đổi đoàn các cấp và cấp cao ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Tiêu biểu như tháng 11 vừa qua, hai nước đã có chương trình tham vấn về kinh tế ở cấp thứ trưởng và đoàn đại biểu của Ba Lan đã sang Việt Nam để tham dự chương trình tham vấn tổ chức tại Hà Nội.

Thương mại song phương giữa hai nước đang tăng trưởng rất nhanh. Con số này hiện ở mức cao và đang duy trì đà tăng trưởng tốt trong vòng 1 thập kỷ qua với mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 ngoài Liên minh châu Âu (EU) của Ba Lan. Ba Lan cũng là bạn hàng quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Đông Âu.

Sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là tình hình sụt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022, nên mức tăng trưởng thương mại giữa hai nước đã có sự giảm tốc.

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng trưởng 4%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước. Việt Nam nhập khẩu từ Ba Lan đạt 375 triệu USD, giảm 26% so với năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ba Lan là hàng may mặc (105 triệu USD), giày dép (64 triệu USD), thủy sản (48 triệu USD), nông sản, trong đó nổi bật là cà phê (38 triệu USD), máy vi tính (1,1 tỷ USD) và các loại máy móc (254 triệu USD)…

Ở chiều ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm (49 triệu USD), nhóm sản phẩm từ sữa (21 triệu USD), mỹ phẩm (gần 7 triệu USD), kim loại (58 triệu USD) và các loại máy móc (70 triệu USD)…

Tuy nhiên, theo ông Alexander Nowakowski, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan, 2,7 tỷ là con số thống kê của Việt Nam. Còn theo thống kê của Ba Lan, kim ngạch song phương giữa hai nước đã vượt 5 tỷ USD, bao gồm cả hàng hóa xuất/nhập khẩu thông qua nước trung gian xuất khẩu.

Ông Alexander Nowakowski cho biết, Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ tháng 8/2020) đã gỡ tới 90% các rào cản về thuế quan đối với rất nhiều mặt hàng trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho cả hai bên trong việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm và dược phẩm. Trong tương lai khi việc xóa bỏ hàng rào thuế quan hoàn tất, thương mại giữa hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam có mặt trên các kệ hàng tại các nước EU nhiều hơn. Đồng thời, hàng hóa từ các nước EU cũng có thể sang Việt Nam dễ hơn.

Theo ông Alexander Nowakowski, nông nghiệp là điểm mạnh trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước với những thành quả cụ thể. Những dự án đầu tư lớn nhất của Ba Lan Việt Nam chính là ở hai lĩnh vực nông sản thực phẩm và y dược phẩm.

Đặc biệt là tháng 6/2022, hai bên đã tổ chức lễ khai mạc Tổ công tác về hợp tác trong nông nghiệp tại Hà Nội. Sau cuộc họp lần thứ nhất của tổ công tác này, hai bên đã đã ký một Bản ghi nhớ hợp tác (MOU), trong đó có các chi tiết cụ thể về việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng như thịt bò, thịt ngan, ngỗng và quả việt quất từ Ba Lan sang Việt Nam.

Nhờ tổ công tác này, không chỉ hàng nông sản, thực phẩm của Ba Lan được tạo điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam, mà hàng nông sản của Việt Nam cũng được tạo điều kiện xuất khẩu sang Ba Lan. Các mặt hàng nông sản giữa hai nước không cạnh tranh mà bổ sung lẫn nhau. Do đó, dư địa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước là rất lớn.

Hồi tháng 11 vừa qua, Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan (PAIH), Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP) đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Ba Lan sang khảo sát thị trường Việt Nam và xúc tiến xuất khẩu và chuyển giao công nghệ các mặt hàng thịt chất lượng cao của Ba Lan tới Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, ông Piotr Ziemann, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và bán thịt của Ba Lan đã đánh giá, Việt Nam một trong những thị trường tiềm năng nhất của Ba Lan tại châu Á, nên cơ quan này đang đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, nhà phân phối hoặc chế biến tại Việt Nam.

Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản giữa hai nước đạt 165,4 triệu USD. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 122,5 triệu USD, nhập khẩu 33,9 triệu USD. Tuy chưa chiếm tỷ trọng lớn trong giỏ hàng xuất nhập khẩu của hai nước, nhưng các sản phẩm nông nghiệp là những mặt hàng tiềm năng, được hưởng lợi thuế quan của Hiệp định EVFTA và còn nhiều dư địa để hợp tác, phát triển, chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh hợp tác về nông nghiệp và y dược là truyền thống, hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu nhất định trên các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ thông tin, công nghệ mới. Đây là cũng là cơ hội để 2 nước có tiềm năng phát triển hợp tác hơn nữa.

Ông Alexander Nowakowski cho biết Ba Lan đang có những dự án trong việc thúc đẩy những lĩnh vực mới này. Trong tương lai, Ba Lan sẽ tổ chức những sự kiện để quảng bá, giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực mới này như các diễn đàn, hội chợ, hội thảo.

Năm 2022, Ba Lan có khoảng trên 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là khoảng 420 triệu USD. Các dự án trải dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó, các dự án lớn nhất là các dự án về nông nghiệp, dược phẩm.

Hiện nay, Đại sứ quán Ba Lan đang hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả với Văn phòng đại diện của cơ quan quảng bá đầu tư và thương mại của Ba Lan tại TP HCM. Dù mới được thành lập những năm gần đây nhưng văn phòng này đã đạt được hiệu quả nhất định trong việc xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư, thông qua việc tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp giữa hai nước.

Để thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư, kết nối giữa hai nước, ông Alexander Nowakowski cho biết Đại sứ quán sẽ thông báo, cung cấp những thông tin về tiềm năng thế mạnh của Ba Lan không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn trong các lĩnh vực mới nổi. Đại sứ quán sẽ tổ chức các sự kiện để các doanh nghiệp, đối tác gặp nhau nhằm tìm hiểu những tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu của hai bên.

Ba Lan hiện có những giải pháp hiện đại trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố thông minh, công nghệ xanh, bảo vệ môi trường… và đang cung cấp các giải pháp phù hợp cho Việt Nam. Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ba Lan hi vọng trong thời gian tới, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này sẽ tiếp tục được chú trọng.

Về tình hình thương mại giữa hai nước, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tin rằng, theo xu thế phát triển này, kim ngạch song phương giữa hai nước năm 2023 sẽ tiếp tục tăng cao hơn 2022.

Để thúc đẩy thương mại song phương, theo ông Alexander Nowakowski, hai nước có thể tăng cường thêm các hoạt động thương mại, nhất là ở những lĩnh vực truyền thống giữa hai nước.

Ngoài việc tạo thuận lợi từ cơ chế chính sách, hai bên cũng cần tăng cường hiểu biết, kết nối giữa các doanh nghiệp. Tổ chức các chương trình, cơ hội các doanh nghiệp có thể gặp gỡ nhau và trao đổi tìm hiểu về các tiềm năng về mặt hàng của nhau.

Ông Alexander Nowakowski nhận định, tăng cường trao đổi, giao lưu nhân dân giúp thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, qua đó hợp tác thương mại sẽ dễ dàng hơn. Một yếu tố quan trọng không thể phủ nhận chính là vai trò của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Ba Lan, những người rất có tiềm năng để kết nối đưa hàng hóa của Việt Nam, thương hiệu của Việt Nam tới các khách hàng nước ngoài.

Ngoài ra, những chuyến thăm các cấp giữa hai nước, các cuộc xúc tiến giữa các cơ quan Nhà nước, các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp tư nhân… chính là nền tảng để có thể hiện thực hóa thành các dự án cũng như thể hiện bằng những con số, thành tích hợp tác cụ thể.

Đọc tiếp