Du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Ảnh: UBND Lai Châu. |
Phong trào làm du lịch nông thôn đang phát triển trên khắp các vùng miền. Một trong những mô hình kết hợp thành công giữa du lịch với nông thôn hiện nay là câu chuyện về bản du lịch tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu).
Chia sẻ tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn” do báo Dân Việt tổ chức chiều 24/7, ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư thường trực Xã Sin Suối Hồ cho biết, mô hình này được Hiệp hội du lịch các nước ASEAN công nhận là điểm du lịch cộng đồng năm 2023.
“Ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, được ví như khu vườn trên mây, bên cạnh tài nguyên có sẵn, Sin Suối Hồ có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, sự nỗ lực của bà con nông dân để đánh thức tiềm năng tài nguyên của xã”, ông Đại nói.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Đại, chính quyền đã tạo phong trào làm du lịch cộng đồng cho cả bản gồm 145 hộ. “Sống bằng du lịch thì có thể không đủ hết cả bản nhưng hưởng lợi từ mô hình này thì cả bản đều đã có được”, ông Đại hồ hởi chia sẻ.
"Chúng tôi đang phấn đấu mở rộng mô hình đạt sản phẩm du lịch sạch OCOP của xã, đầu tư nâng cấp chợ phiên giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch, khách du lịch tăng trưởng đạt 15%/năm. Trước dịch, khách du lịch của Sin Suối Hồ chúng tôi có thời điểm cao điểm lên đến 20.000 khách/năm”.
Anh Vàng A Chứ, 49 tuổi, dân tộc Mông, người đang đầu tư homestay ở Sin Suối Hồ chia sẻ, cũng giống như các hộ trong bản, khó khăn lớn nhất khi làm du lịch là vốn. Bên cạnh đó, đường giao thông Lai Châu lên Sin Suối Hồ mới chỉ hoàn thiện 85% cũng gây trở ngại cho việc thu hút khách du lịch.
“Tuy nhiên, phải thấy rằng làm du lịch cộng đồng đã giúp chúng tôi thay đổi cuộc sống ấm no hơn trước. Trước khi có du lịch, bà con chỉ làm nương rẫy, làm cả năm có khi không đủ ăn, nhưng từ khi có du lịch, bà con ở địa phương có thêm nhiều ngành nghề sinh sống như dệt thổ cẩm bán cho khách du lịch, canh tác thêm nhiều loại nông sản, làm nhà nghỉ, nhà hàng… thu nhập từ đó tăng lên”, anh Vàng A Chử vui vẻ nói.
Ngược lại với miền du lịch nông thôn vùng núi xa xôi, câu chuyện làm du lịch cộng đồng miền Tây sông nước của ông Vũ Văn Phong, Giám đốc Công ty du lịch C2T cũng mang tới nhiều thú vị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch sông nước miền Tây. |
“Thời điểm tôi quyết định khởi nghiệp du lịch là năm 2016, lúc quan sát thấy các tỉnh miền Tây bị xâm nhập mặn ngày càng nặng. Tìm cơ trong nguy, tôi đã dựa vào địa hình sông nước và đặc trưng văn hóa, ẩm thực vùng miền khác nhau để khai thác du lịch kết hợp tư vấn mua nông sản, sản phẩm OCOP cho khách du lịch, làm sao để không làm tổn hại tài nguyên của địa phương”, ông Phong nói về mục đích của mô hình du lịch công ty mình.
Ông Phong cho biết, chuỗi du lịch miền Tây của C2T là sự liên kết của nhiều mắt xích với nhau, gồm: Các nhà vườn, homestay, khách sạn, cơ sở tàu xe máy bay, truyền thông marketing.
“Ví dụ như Bến Tre, tôi thiết kế những tour trải nghiệm cho khách hàng ăn cơm dưới tán dừa, nấu cơm với nước dừa sẽ hoàn tạo khác biệt so với các tỉnh khác của miền Tây sông nước trù phú này”, ông Vũ Văn Phong nói.
Sức trẻ là nguồn lực quan trọng
Chia sẻ góc nhìn trong hơn 20 năm tham gia lĩnh vực nông nghiệp, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc CTCP đầu tư Bagico cho rằng, từ trước đến nay, nông nghiệp và du lịch dường như không nhiều liên quan đến nhau, người nông dân chỉ chân lấm tay bùn và còn thiếu sự gắn kết với những hình ảnh du lịch mĩ miều.
“Tôi ví von đó là một cuộc hôn nhân cần tạo sự hài hòa để gắn kết, cộng sự mang lại lợi ích cho nhau”, bà Nguyễn Thị Thành Thực ví von.
Đánh giá phong trào du lịch nông nghiệp hiện nay, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết, các bạn trẻ trong phong trào khởi nghiệp bỏ phố về rừng đang có xu hướng bán tháo bán lỗ phần nhiều vì chưa đánh giá kỹ rủi ro trong khâu lên phương án kinh doanh.
"Các bạn trẻ là nguồn lực quan trọng cho phong trào này. Các bạn cần đánh giá du lịch hay nông nghiệp là thế mạnh của mình để tập trung vào điều đó và mời thêm những cộng sự về thế mạnh còn lại để đưa ra phương án kết hợp tối ưu nhất”.
Theo bà Thực, giống như các dự án kinh doanh thông thường khác, khi làm du lịch nông nghiệp, nông thôn cần xác định sản phẩm, đối tượng khách hàng hướng đến để có được phương thức tiếp cận chính xác nhất. “Chúng ta cần có những cộng đồng và những chuyên gia thật sự am hiểu du lịch nông nghiệp để khai thác triệt để tiềm năng hiện có”, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực nhận định.
Cùng chung quan điểm với bà Thực, TS. Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, các bạn trẻ, thanh niên chính là nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành du lịch có mục tiêu giúp gia tăng giá trị sản phẩm cho bà con nông dân, giúp các bạn trẻ có khả năng quản trị và có phương thức cơ sở phát triển thế mạnh kết hợp du lịch và nông nghiệp.
“Sau khi ra trường, sinh viên có thể tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ngành du lịch nông nghiệp theo chương trình Bộ NN&PTNT đã đưa ra chiến lược. Hiện nay, sự vào cuộc của các chủ trương Nhà nước, sự khích lệ của các chính quyền địa phương là cơ sở thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển”, TS. Nguyễn Tất Thắng cho biết.