Ngày 22/2, CNBC dẫn kết quả kinh doanh quý 4/2023 của Nvidia kết thúc vào ngày 28/1 cho thấy, lợi nhuận hoạt động của công ty đạt 12,3 tỷ USD, tăng 769% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả trên đã kéo lợi nhuận cả năm của công ty tăng hơn 580% so với năm trước.
Doanh thu quý 4/2023 đạt 22,1 tỷ USD, tăng 265% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh thu cao kỷ lục 60,9 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang cho biết, nhu cầu về trí tuệ nhân tạo tạo sinh và điện toán đang tăng cao trên thế giới ở hầu hết các ngành công nghiệp và quốc gia. Trong quý 4 năm ngoái, riêng doanh thu của mảng điện toán trung tâm dữ liệu đạt kỷ lục 18,4 tỷ USD, cao hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, nhờ quan hệ đối tác với những tập đoàn lớn về cơ sở hạ tầng như Google, Amazon và Cisco. Nvidia kỳ vọng tổng doanh thu sẽ đạt 24 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2024.
Kết thúc phiên 21/2, cổ phiếu của Nvidia tăng hơn 8%, lên 733,68 USD/cổ phiếu.
Giới chuyên gia cho rằng, kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành.
Điều này khiến hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt trí tuệ nhân tạo dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp trí tuệ nhân tạo đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.
Trí tuệ nhân tạo có khả năng phân tích và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó cung cấp cho doanh nghiệp thông tin quan trọng và phân tích chi tiết để hỗ trợ quyết định kinh doanh.
Đồng thời, công nghệ này có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người bằng cách thực hiện tự động các quy trình kinh doanh và công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm thời gian, tối ưu hoá hoạt động của doanh nghiệp cũng như giảm thiểu sai sót do con người gây ra.
"Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin tận dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu", bà Karamouzis nói thêm.
Do đó, các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.
Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Gartner với hơn 2.500 nhà lãnh đạo điều hành trên toàn cầu cho thấy, khoảng 68% các giám đốc điều hành tin rằng lợi ích của trí tuệ nhân tạo sáng tạo vượt trội hơn so với những rủi ro tiềm tàng, trong khi chỉ có 5% cảm thấy rủi ro của trí tuệ nhân tạo lớn hơn so với lợi ích.